Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Không muốn xài vẫn trả tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tháng qua, nhiều người dùng điện thoại di động bức xúc vì bị tính cước những dịch vụ giá trị gia tăng mà họ không hề hay biết. Đã đến lúc các mạng di động cần cung cấp công cụ giúp người dùng quản lý việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ này.

Những điện thoại có wifi hay 3G như thế này mới truy cập được trang web để sử dụng một số tiện ích quản lý điện thoại cơ bản – Ảnh: Như Hùng

Thống kê sơ bộ cho thấy ba mạng di động “đại gia” hiện nay là MobiFone, Viettel và Vinaphone đang cung cấp hơn 70 dịch vụ giá trị gia tăng cho các thuê bao điện thoại di động.

Hầu hết dịch vụ đều đòi hỏi có câu lệnh đăng ký (thường bằng tin nhắn SMS), tuy nhiên có khá nhiều dịch vụ nhà mạng chủ động đăng ký ngay cho khách hàng từ lúc kích hoạt sim hoặc theo các chương trình khuyến mãi nhưng lại không thông báo rõ ràng.

Cước từ trên trời

Nhận được tin nhắn từ tổng đài MobiFone với nội dung: “Tài khoản quý khách đã bị trừ 50.000 đồng tiền cước dịch vụ TV30, thời hạn sử dụng dịch vụ đến ngày…” – anh Tùng, chủ thuê bao 090973xxxx, hết sức ngạc nhiên: “TV30 là cái gì? Tôi có đăng ký sử dụng hồi nào đâu mà trừ tiền của tôi”.

Tuy nhiên, câu trả lời từ tổng đài MobiFone sau khi kiểm tra là số điện thoại của anh Tùng đã đăng ký sử dụng dịch vụ truyền hình di động từ trước đó ba tháng (?!). Một trường hợp khác, anh Lâm, chủ thuê bao 090808xxxx, cho biết điện thoại anh bị tính tiền cước GPRS mặc dù anh chắc chắn chưa bao giờ đăng ký và sử dụng.

Sau khi khiếu nại đến tổng đài MobiFone thì được nhà mạng trả lời là đã đăng ký cho anh ngay từ khi kích hoạt sim.

Có công cụ trên web

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ba mạng Vinaphone, Viettel, MobiFone đều chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp tài khoản người dùng trên các trang web với một số tiện ích quản lý cơ bản chứ chưa thật sự gần gũi với họ. Trong khi không phải tất cả người dùng đều có nhu cầu hoặc có thể truy cập Internet để đăng nhập tài khoản của mình và kiểm tra thường xuyên được.

Khoảng tháng 4-2010, nhà mạng Vinaphone triển khai chương trình khuyến mãi dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ cho các thuê bao của mình. Theo đó, khách hàng được sử dụng miễn phí dịch vụ này trong vòng một tháng. Tuy nhiên nhà mạng này chủ động cài đặt dịch vụ cho khách hàng mà không cần biết họ có muốn dùng hay không.

Đến tháng 8-2010, chị Thu, chủ nhân số điện thoại 094449xxxx, xem kỹ giấy thông báo cước thì phát hiện mình bị tính cước dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ của Vinaphone.

Chị Thu bức xúc: “Tôi không có nhu cầu sử dụng dịch vụ nào khác ngoài việc nghe, gọi và nhắn tin. Tôi cũng chưa bao giờ đăng ký gì với nhà mạng cả, giờ tự nhiên tính tiền cước là sao?”.

Khiếu nại của chị Thu được Vinaphone trả lời là do chị đã không nhắn tin hủy dịch vụ sau khi hết chương trình khuyến mãi nên nghiễm nhiên tổng đài hiểu chị đã đăng ký tiếp tục sử dụng dịch vụ và tiến hành tính cước.

Đây không phải là trường hợp mới, trước đây Tuổi Trẻ cũng đã có bài viết về việc mạng di động MobiFone tự ý cài nhạc chuông cho khách hàng dưới dạng chương trình khuyến mãi rồi sau đó tính tiền người dùng.

Nên có công cụ quản lý

Mỗi nhà mạng lớn đều đang cung cấp hơn 20 dịch vụ giá trị gia tăng cho các khách hàng của mình nhưng lại không có một công cụ tiện lợi nào giúp họ có thể tự quản lý, kiểm soát các dịch vụ giá trị gia tăng mà điện thoại của họ đang đăng ký sử dụng.

Anh Lê Hoàn, nhân viên một công ty nội dung số, chia sẻ: “Đợt World Cup vừa rồi, tôi đăng ký sử dụng các dịch vụ 3G của Viettel để thử xem thế nào nhưng đến khi hết World Cup tôi lại quên đăng ký hủy, thế là bị nhà mạng tính tiền cước”. Theo anh Hoàn, giá như nhà mạng có thêm dịch vụ giúp người dùng có thể quản lý được các dịch vụ mình đang đăng ký sử dụng sẽ rất hiệu quả.

Chẳng hạn như: “Người dùng chỉ cần nhấn lệnh nào đó là có thể biết được thuê bao của mình đang sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng nào. Nếu chi tiết hơn có thể thêm các thông tin về dịch vụ đó như: mục đích sử dụng, cước phí, cách nhắn tin hủy đăng ký… Như vậy người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát được các dịch vụ mình đang sử dụng, nếu thấy dịch vụ nào không cần thiết, họ có thể nhắn tin hủy đăng ký dễ dàng. Nhà mạng cũng sẽ bớt phải nhận những khiếu nại về cước dịch vụ giá trị gia tăng từ phía người dùng” – anh Hoàn đề nghị.

Nhiều khách hàng khác cũng chung ý kiến rằng cách thức tốt nhất là nhà mạng phải tạo điều kiện cho người dùng sử dụng công cụ quản lý ngay trên điện thoại của mình. Khi đó người dùng vừa có thể kiểm soát được cước dịch vụ của mình mà nhà mạng cũng tăng thêm phần uy tín trong mắt khách hàng.

ĐỨC THIỆN (Theo TTO)

Bình luận (0)