Hơn 1 tuổi, cháu N.L.M.T., ở Bình Chánh, TP.HCM, bắt đầu có những biểu hiện bất thường như bộ phận sinh dục phát triển, lông tay, lông chân, lông mu mọc dài, đen; gương mặt cũng dần già đi và bị vỡ tiếng….
Các thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ trẻ bị dậy thì sớm bệnh lý gặp nhiều ở bé gái hơn bé trai. Một nghiên cứu ở Đan Mạch cho kết quả có 0,2% ở bé gái và 0,05% bé trai trong dân số mắc bệnh này. Đến nay tại Việt Nam chưa có thống kê về tỉ lệ trẻ mắc bệnh dậy thì sớm.
Y như người lớn!
Không chỉ bộ phận sinh dục phát triển, lông mu, lông tay chân mọc dài, đen, gương mặt cháu T. cũng dần già đi và bị vỡ tiếng khác hẳn những trẻ em cùng lứa tuổi. Anh N.Đ.H., 32 tuổi, kể về con trai 31 tháng tuổi của mình như vậy khi đưa con đến điều trị định kỳ tại khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Từ lúc phát hiện con trai mình có những triệu chứng bất thường cũng là lúc anh H. nhận thấy bé có biểu hiện thích phụ nữ đẹp. Thấy những triệu chứng bất thường của con ngày càng tiến triển, gia đình anh H. đưa bé đến nhiều phòng mạch và một số bệnh viện trong thành phố khám, nhưng sau khi khám xong các bác sĩ đều ngạc nhiên: “Bệnh này tôi chưa từng gặp”.
Lòng vòng một thời gian anh mới đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Từ khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 triệu chứng bệnh của cháu giảm dần, lông trên người cháu đã rụng bớt, cơ quan sinh dục không phát triển nữa và đặc biệt không còn thích phụ nữ đẹp như trước.
Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết dậy thì sớm bệnh lý là tình trạng dậy thì xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi và ở bé trai trước 9 tuổi. Bình thường hệ sinh dục được điều khiển bởi một hormon sinh dục nằm ở vùng não. Dậy thì sớm là do gia tăng hormon sinh dục ở não (dậy thì sớm trung ương) hoặc là do từ một số cơ quan ở ngoại vi (u buồng trứng, u tinh hoàn…) tăng sản xuất hormon nội tiết (dậy thì sớm ngoại vi).
Khi bé trai mắc bệnh này tinh hoàn, dương vật phát triển nhanh bất thường, xuất hiện lông mu, một số trẻ còn bị nổi mụn trên mặt. Ở trẻ gái sẽ phát triển vòng 1, xuất hiện lông mu và bắt đầu có kinh nguyệt. Một số trẻ mắc bệnh còn có thể có một loại u, tên khoa học là hamartomas vùng hạ đồi. Những trường hợp có u, lúc nhỏ trẻ có thể có tiếng khóc to lớn và khác lạ. Khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị cho bốn trường hợp dậy thì sớm trung ương, trong đó có hai bé trai và hai bé gái.
Điều trị sớm, phát triển bình thường
Theo bác sĩ Thoại Loan, tùy nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm sẽ có những cách điều trị khác nhau. Trong trường hợp bệnh do một số khối u gây ra nội tiết tố, các bác sĩ sẽ cắt bỏ các khối u này. Còn đối với các bệnh nhi có nội tiết tố bất thường từ một hormon sinh dục ở vùng não, việc điều trị chủ yếu làm chậm quá trình dậy thì sớm ở trẻ. Trẻ sẽ được điều trị cho đến khi đạt độ tuổi được khuyến cáo sẽ dậy thì, ở nam là 9 tuổi và nữ là 8 tuổi. Lúc này các bác sĩ sẽ kiểm tra lại tình trạng bệnh lý của trẻ và quyết định bệnh nhi được ngưng điều trị hay chưa.
Y văn thế giới ghi nhận với những trường hợp được ngưng điều trị, trẻ sẽ phát triển và có cuộc sống như những trẻ bình thường khác. Ngược lại, trẻ mắc bệnh dậy thì sớm nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài ra, khi trẻ bị dậy thì sớm sẽ làm các sụn xương bắt đầu đóng lại khiến trẻ không thể cao thêm được nhiều. Cụ thể, khi một bé gái xuất hiện triệu chứng dậy thì chỉ có thể cao thêm tối đa 15cm.
Theo Thùy Dương
Tuổi trẻ
Bình luận (0)