Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cần thiết của việc vệ sinh tay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vệ sinh tay rất cần thiết để phòng ngừa bệnh tay – chân – miệng. Ảnh: I.T

Việc vệ sinh tay một cách tích cực, đạt đến mức cao nhất, hiệu quả nhất trong việc dự phòng bệnh tay – chân – miệng là vô cùng cần thiết. Bởi hiện nay, bệnh này không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng mắc bệnh.
Không chỉ để dự phòng bệnh tay – chân – miệng!
Như chúng ta đã biết, bệnh tay – chân – miệng là một trong những bệnh lý truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, (cho đến nay vẫn chưa có phương cách đặc trị). Hiện nay, phương cách điều trị triệu chứng được ứng dụng qua việc theo dõi tích cực từng diễn tiến của bệnh trạng, các hiện tượng lâm sàng để giúp bác sĩ điều trị có cơ sở phát hiện kịp thời cũng như có hướng chữa trị thật tốt nhằm tránh được biến chứng (được xem như là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong)… Bệnh tay – chân – miệng vẫn chưa có thuốc tiêm chủng (vaccine) giúp dự phòng mắc bệnh này.Vì vậy, một thực tế trước mắt để tránh được bệnh này nói riêng và các bệnh đường tiêu hóa khác (tiêu chảy cấp tính, kiết lỵ…) nói chung là ý thức trong việc thực hiện thật tốt vệ sinh cá nhân (tắm gội thường xuyên, nhất là thực hiện từng động tác rửa tay với xà phòng có chứa chất sát trùng…), một biện pháp tương đối đơn giản, tiết kiệm, và rất hiệu quả. Các phương tiện cho việc vệ sinh tay như: chậu rửa (dĩ nhiên phải được thiết kế làm sao cho phù hợp đúng tầm đối với kích  cỡ cơ thể của con trẻ ở trường học, trường mẫu giáo, nhà trẻ); cùng với nước trong, sạch và loại xà phòng có chất tiệt trùng, hoặc dung dịch xà phòng (soap liquid) nếu có điều kiện; khăn khô đã được giặt sạch và tiệt trùng tuyệt đối hoặc loại khăn giấy được dùng lau tay… cũng đừng quên một vật dụng không kém phần quan trọng, đó là thùng sọt thu gom khăn giấy sau khi sử dụng.
Để trở thành nét văn hóa trong cộng đồng     
Ngoài ra, vệ sinh thật tốt các bề mặt sàn nhà thuộc khu vực cơ sở y tế (bệnh viện), trường học, nơi công cộng bằng dung dịch xà phòng có chất sát trùng cũng là động tác thiết thực giúp cho việc dự phòng mắc bệnh hiệu quả hơn. Vệ sinh thường xuyên, đột xuất mọi dụng cụ, đồ chơi của trẻ ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo bằng dung dịch có chất sát khuẩn cũng phải tích cực quan tâm. Nhận biết sớm kịp thời, có biện pháp chữa trị tốt nhất cũng như công tác quản lý thật phù hợp các trường hợp bệnh tay – chân – miệng với mục đích hạn chế thời gian “thải” mầm mống gây bệnh ra môi trường sống, tức là hạn chế tình trạng phơi nhiễm mới, với các biện pháp tích cực bao gồm việc điều trị thật hiệu quả, chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe thật tốt cho bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh; đồng thời xử lý triệt để các chất thải từ người bệnh, dĩ nhiên, theo quy định của ngành y tế dự phòng (cho người bệnh mang khẩu trang mỗi khi tiếp xúc với người xung quanh hoặc khi ho…).
Nguyên nhân của bệnh tay – chân – miệng là các siêu vi trùng (viruses) gây bệnh đường tiêu hóa thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV.71). Trong đó, nhóm EV.71 thường gây các biến chứng ở hệ thống thần kinh và rất dễ bùng phát thành những  trận dịch bệnh, trong khi nhóm Coxsackievirus (từ B1 đến B5) thường gây các biến chứng đau tức vùng ngực và khiến cho người bệnh mắc bệnh viêm cơ tim (Các biến chứng này thường gây tử vong đáng kể và diễn tiến rất nhanh trong vòng 24 giờ).
Tóm lại, phổ biến quy trình, phát động các chiến dịch hưởng ứng việc rửa tay. Các trạm y tế phường, xã, trường mẫu giáo, nhà trẻ tiếp tục tiến hành chiến dịch tuân thủ việc vệ sinh tay. Qua các hoạt động đồng bộ, việc năng vệ sinh tay sẽ sớm trở thành một nét văn hóa đẹp có ý nghĩa thực tiễn để đạt tối đa hiệu quả việc dự phòng một cách triệt để bệnh tay – chân – miệng trong cộng đồng!
BS. Phạm Khắc Trí
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)