Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chăm sóc tốt trẻ sơ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Chăm sóc tốt trẻ sơ sinh để tránh nguy cơ trẻ chậm phát triển, bị nhiễm trùng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: M.Khôi

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào cho tốt là vấn đề mà các bà mẹ rất quan tâm. Thực tế hiện nay, nhiều bà mẹ do không biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh đã gây những hậu quả xấu khi trẻ lớn lên.
Cần bảo vệ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồ Điệp (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) thì trẻ sơ sinh là trẻ lúc mới sinh cho đến 28 ngày tuổi. Và để chăm sóc trẻ sơ sinh cho tốt thì các bà mẹ phải bảo vệ thân nhiệt cho trẻ, hỗ trợ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, hướng dẫn tư thế ngậm bắt vú đúng, cân nặng và đánh giá tăng cân của trẻ. Cụ thể, theo BS. Điệp bảo vệ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh là những biện pháp nhằm đảm bảo cho trẻ không bị lạnh quá hay nóng quá. Cần duy trì thân nhiệt bình thường cho trẻ từ 36,50C-37,50C. Trẻ càng nhỏ nguy cơ  mất thân nhiệt càng lớn. Các trẻ sơ sinh mất nhiệt trong vòng 10 đến 20 phút đầu sau sinh, có thể kéo dài nhiều giờ sau nếu không  được săn sóc đúng mức. Nếu một trẻ bị hạ thân nhiệt (đặc biệt nếu trẻ nhẹ cân hay bệnh lý) sẽ tăng nguy cơ bệnh và tử vong. Thường trẻ sơ sinh càng non tháng, càng nhẹ cân, càng kém chịu đựng với lạnh và nóng.
Dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt trẻ sơ sinh là sờ bàn chân lạnh; hạ thân nhiệt tiếp tục xảy ra, da toàn thân sẽ lạnh, trẻ ít cử động, bú yếu và khóc yếu. Nếu hạ thân nhiệt nặng < 320C, mặt và chi có thể có màu đỏ tươi, cứng bì ở lưng, chi, hay khắp người, trẻ lừ đừ, thở chậm, nông, không đều, nhịp tim chậm, đường huyết thấp, toan biến dưỡng, đưa đến xuất huyết nội, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Còn dấu hiệu tăng thân nhiệt là: Nhiệt độ cơ thể > 420C dẫn đến tổn thương hệ thần kinh, thở nhanh, nhịp tim nhanh, da nóng, chi đỏ do giãn mạch và ửng đỏ khi nóng quá, trẻ kích thích, khóc, lừ đừ, tăng nhiệt độ nặng dẫn đến co giật. Quấn trẻ quá nhiều lớp (đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm). Khi trẻ bị hạ thân nhiệt hoặc tăng thân nhiệt mà không được chăm sóc đúng thì dẫn đến nguy cơ trẻ chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng…
Để chăm sóc trẻ sơ sinh được tốt
BS. Điệp cho biết: “Các bà mẹ luôn nhớ rằng giữ ấm rất quan trọng giúp cho trẻ khỏe mạnh. Riêng với trẻ nhẹ cân thì nên mặc quần áo hoặc quấn trẻ bằng vải mềm, khô sạch, đội mũ cho trẻ trong vài ngày đầu. Theo dõi 4 giờ một lần xem trẻ có đủ ấm không (sờ chân của trẻ), nếu chân lạnh cho da kề da hoặc đắp thêm chăn và theo dõi tiếp. Khi về nhà cần giữ phòng ấm đặc biệt là khi thời tiết lạnh. Mặc quần áo giữ ấm trẻ liên tục, ban đêm để trẻ ngủ cùng với mẹ để dễ theo dõi và tiện việc cho bú. Tuyệt đối không đặt trẻ vào chỗ lạnh hoặc ướt, không tắm cho trẻ ngay khi sinh. Không quấn trẻ quá chặt (quấn chặt quá sẽ làm trẻ lạnh), không để trẻ tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Không bôi bất cứ  thứ gì lên cuống rốn, quấn tã vòng phía dưới cuống rốn. Để thả lỏng cuống rốn và che bằng vải sạch, nếu cuống rốn bẩn rửa bằng xà phòng và nước sạch, lau khô cẩn thận bằng vải sạch. Khi rốn chảy mủ hoặc chảy máu, hoặc tấy đỏ bà mẹ nên đưa trẻ đến BV khám chuyên khoa sơ sinh. Không băng cuống rốn hoặc bụng, đắp bất cứ chất gì hoặc thuốc gì lên mặt cuống rốn (nếu không cần thiết tránh sờ vào cuống rốn). Cần cho trẻ nằm trong màn kể cả ngày và đêm. Đặt trẻ ngủ trong tư thế ngửa hoặc nghiêng. Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc hoặc những người hút thuốc. Tránh cho trẻ, đặc biệt trẻ nhỏ nhẹ cân, tiếp xúc với trẻ hoặc người lớn bị bệnh. Trường hợp khi tắm cho trẻ thì phải đảm bảo phòng ấm, không có gió lùa”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Bình luận (0)