Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng chống bệnh tay chân miệng: Cẩn thận khi sử dụng thuốc Cloramin B

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các trường nên cẩn thận khi sử dụng Cloramin B để khử khuẩn

Hiện nay dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng TP.HCM, dịch bệnh xảy ra ở tất cả các quận, huyện với khoảng 10 ngàn ca mắc và gần 30 ca tử vong.
Nguy cơ ngộ độc từ thuốc Cloramin B
Đường lây chủ yếu bệnh TCM là sự tiếp xúc của trẻ lành với trẻ bệnh và qua bàn tay người chăm sóc cũng như những đồ dùng, bề mặt nơi trẻ khỏe mạnh tiếp xúc mà không được vệ sinh và khử trùng thích hợp.
Do tính chất lây lan của bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng và các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành đều hướng dẫn sử dụng Cloramin B để khử khuẩn bề mặt nhằm hạn chế việc lây lan mầm bệnh qua đường tiếp xúc. Tại TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng như các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện đã cấp phát cloramin B cho hộ gia đình có trẻ từ 5 tuổi trở xuống cũng như các trường mầm non. Vấn đề mà ngành y tế lo ngại đó là cách nhà trường, hộ gia đình sử dụng, pha chế và bảo quản cloramin B. Trên thực tế, tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra tình trạng chủ nhóm trẻ gia đình pha thuốc cloramin B cho trẻ uống để phòng chống bệnh TCM. BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Hà – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Cloramin B với thành phần hóa học chính là Sodium benzensulfo-chloramin, công thức (C­6H5SO2NclNa.3H2O), trong đó thành phần Chorine hoạt tính chiếm 25%-27%. Đây là một hóa chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dùng trong lĩnh vực khử khuẩn và diệt khuẩn trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng. Dạng đang sử dụng trên thị trường và từ các trung tâm y tế dự phòng phát thường là gói bột trắng hoặc viên nén.Cloramin B khi dùng với mục đích khử khuẩn nguồn nước uống, hồ bơi thường có nồng độ thấp, không gây độc, có mùi đặc trưng của Clor. Tuy nhiên, khi dùng trong khử khuẩn nồng độ cao hơn dễ có khả năng gây kích ứng với một số cơ quan như mắt, da, tiêu hóa, hô hấp và đặc biệt trong trường hợp uống nhầm với nồng độ cao có thể gây ngộ độc”.
Cách xử lý khi bị ngộ độc thuốc Cloramin B
Khi bị ngộ độc thuốc Cloramin B, bệnh nhân có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau một thời gian ngắn các biểu hiện: Vềthần kinh, bệnh nhân bị kích thích, la hét, hung dữ; đối với da: kích thích da, nổi mẩn đỏ; đối với tiêu hóa: nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy; đối với mắt: kích thích, chảy nước mắt; đường hô hấp: kích thích đường hô hấp trên và dưới gây ho, khó thở, khò khè, hiếm khi gây phù phổi.
Nói về cách xử trí khi bị ngộ độc do tiếp xúc với Cloramin B, BS. Thanh Hà khuyến cáo: “Khi nuốt phải thuốc Cloramin B nên cho bệnh nhân uống ngay một ít nước ấm và dùng vài thìa than hoạt hoặc Natribicarbonate, không nên cố gắng gây nôn. Trong trường hợp hít phải không khí có chứa Clor, phải đưa ngay người bị thương ra khỏi vùng không khí ô nhiễm và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Khi thuốc Cloramin B bắn vào mắt phải rửa sạch ngay bằng nước sạch nhiều lần, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị bắn vào quần áo hoặc dính trên da, cần tháo bỏ ngay quần áo, rửa sạch da bằng nước ấm và xà phòng”. BS. Thanh Hà cũng lưu ý người dân, giáo viên – nhân viên các trường mầm non khi sử dụng hóa chất Cloramin B: “Cất giữ thuốc ở nơi khô ráo, đậy hoặc bọc kín có dán nhãn cẩn thận, tránh lấy nhầm cho mục đích khác. Nên để trong tủ, kệ, xa tầm tay trẻ em. Đặc biệt phải đọc kỹ trước khi sử dụng. Sau khi pha chế xong phải đậy nắp, tránh bay hơi sẽ làm giảm hoạt tính của Clor”.
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)