Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khi trẻ biếng ăn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ biếng ăn, phụ huynh cần ý thức để điều chỉnh một số thói quen ăn uống của trẻ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Lê

Mỗi lần cho trẻ ăn, nhiều ông bố bà mẹ phải khổ sở để dụ dỗ, thậm chí dọa nạt khiến việc cho trẻ ăn như một cực hình. Vậy phải làm gì khi trẻ biếng ăn?
Những biểu hiện khó ăn khiến cha mẹ lo lắng
Chị Nguyễn Thị Thuận (ở Phước Long B, Q.9, TP.HCM) gần 1 tháng nay thay đổi các món ăn hằng ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng theo như sách dạy. Thế mà không hiểu tại sao cu Bi con chị không chịu ăn. Mỗi lần cho con ăn là vợ chồng chị phải dỗ dành, cho con xem  truyền hình, bế đi lòng vòng khu phố, hăm dọa, thậm chí tát vào má hay đánh vào mông nhưng cu Bi vẫn không ăn. Chỉ trong vòng 1 tháng mà cu Bi sụt mất 1kg. Quá lo lắng, chị đưa con đi khám bác sĩ (BS), uống nhiều loại thuốc bổ nhưng kết quả không khả quan. Đó là tình trạng của nhiều phụ huynh có con từ 1 đến 3 tuổi gặp phải. Theo BS. Nguyễn Thị Kim Thoa (Trưởng khoa Nội tiết – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) thì thường trẻ sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng giảm, do đó số lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể của trẻ cũng giảm. Để giúp trẻ ăn tốt trong lứa tuổi này, phụ huynh cần điều chỉnh theo nhu cầu thể chất, xã hội và cảm xúc của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ thường có biểu hiện không thích lượng lớn các thức ăn, mặc dù trước đó đã thích ăn. Từ chối ăn thử một số thức ăn mới, không thích ăn thức ăn đặc, không chịu nhai, chỉ thích ăn thức ăn xay nhuyễn. Trẻ không chịu ngồi vào bàn ăn mà chạy lăng xăng. Những biểu hiện nêu trên, phụ huynh không quá lo bởi không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của trẻ hoặc gây suy dinh dưỡng trong một thời gian ngắn. Cần ý thức để điều chỉnh một số thói quen ăn uống của trẻ.
Làm gì để giúp trẻ ăn tốt?
Theo BS. Thoa, khi cho trẻ ăn, phụ huynh cần có sự tương tác tốt với con trong giờ ăn, có nghĩa là cùng chia sẻ trách nhiệm trong bữa ăn. Trẻ tự quyết định ăn bao nhiêu tùy sở thích và nhu cầu của trẻ. Cho trẻ lựa chọn giữa hai loại thức ăn uống. Nên trộn ít thức ăn mới vào thức ăn quen thuộc để giúp trẻ chấp nhận thức ăn mới. Làm mẫu cho trẻ để trẻ bắt chước người lớn ăn. Nếu trẻ tin tưởng cha mẹ, thì trẻ cũng sẽ ăn thức ăn đã thấy cha mẹ dùng. Duy trì cách ăn uống đúng giờ giấc: tránh không cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn, cũng như tránh cho trẻ uống nước ngọt và quá nhiều sữa. Không nên dùng biện pháp mạnh để ép buộc trẻ ăn, nhưng cần tạo bầu khí vui tươi, thoải mái trong giờ ăn để giúp trẻ lớn lên theo sự phát triển của não bộ. Tập thói quen ngồi một chỗ ăn xong mới đứng dậy. Tuyệt đối không đánh, mắng trẻ trong bữa ăn (đặc biệt trẻ nhỏ dưới 2 tuổi) gây tâm lý sợ hãi dẫn đến biếng ăn tâm lý. Không nên cho uống quá nhiều loại thuốc để điều trị triệu chứng lâm sàng. Bước đầu chỉ nên có một sự can thiệp nhỏ, áp dụng các tiến trình chăm sóc và nuôi dưỡng tại nhà theo đúng chỉ dẫn của BS dinh dưỡng.
Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung: Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng (cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm để tránh ngán, chán ăn và để mở rộng khẩu vị giúp trẻ lớn lên dễ dàng ăn được nhiều loại món ăn). Cần chú ý chế biến hợp khẩu vị, tuân thủ các nguyên tắc chế biến thức ăn như nấu cho người lớn, tránh nấu chung những loại thực phẩm không hợp vị gây khó ăn cho trẻ. Đối với trẻ biếng ăn, cần chú trọng bồi dưỡng các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng như sữa, thịt, cá, tôm, trứng.
Nguyên Hải

Bình luận (0)