Chưng mật ong với quả tắc cho trẻ ăn trị ho rất hiệu quả. Ảnh: T.L |
Khi thời tiết thay đổi, nhiều người bị ho (nhiễm khuẩn hệ hô hấp) hoặc nóng do nhiệt. Đây là các triệu chứng có thể điều trị tại nhà bằng đông y.
Trị ho hiệu quả bằng thuốc nam
Trong dân gian có nhiều bài thuốc nam đơn giản, giúp trị ho rất hiệu quả. Đó là những loại thảo dược như hoa hồng trắng (hồng bạch), đường phèn, trái tắc dùng trong trường hợp ho gió, ho khan. Nếu người lớn ho có đàm thì dùng các vị như trần bì (vỏ quýt); húng chanh, bạc hà… Bên cạnh việc điều trị cần kết hợp giữ ấm cổ bằng cách không ngồi nhiều trong phòng máy lạnh, tránh uống nước đá, tắm nước ấm, súc và nên ngậm nước muối vào buổi sáng và tối sau khi đánh răng xong. Còn trẻ em sức đề kháng yếu nên dễ bị nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi, những lúc như thế nếu cho trẻ uống kháng sinh ngay rất dễ mất sức, chưa kể uống nhiều dẫn tới cơ thể kháng thuốc khiến việc điều trị không có tác dụng. Một số bài thuốc nam dân gian hiệu quả mà các bà mẹ nên sử dụng khi trẻ bắt đầu ho từ ngày đầu tiên, nên cho trẻ uống một muỗng cà phê mật ong pha với tách nước ấm vào buổi sáng sớm và trước khi đi ngủ, mật ong có tính kháng khuẩn, có ích cho hệ tiêu hóa nên trị ho hiệu quả, khi trẻ hết ho thì ngưng. Hoặc chưng mật ong với quả quýt (tắc), nếu trẻ ăn được bã thì càng tốt. Cách khác là giã nghệ tươi, trộn với mật ong cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần một muỗng cà phê cũng giúp giảm ho nhanh chóng. Phương thuốc này còn áp dụng trị táo bón cho trẻ nhưng phải uống trước bữa ăn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi cho trẻ em dùng mật ong. Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng bởi trong mật ong có chứa nhiều loại mật hoa không an toàn cho trẻ sơ sinh. Khi dùng cũng không được cho trẻ uống trực tiếp dễ dẫn tới ngộ độc mà phải chưng trước. Điều quan trọng nhất là chọn mật ong thật, mua ở những nơi bán mật ong có uy tín hoặc tìm mua tại siêu thị, nhà thuốc có niêm yết ngày đóng gói và nơi cung cấp rõ ràng. Kết hợp cho trẻ uống nhiều nước cam, ăn đủ chất, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Dùng thảo dược để hạ nhiệt
Các triệu chứng thường thấy của căn bệnh “nóng trong người” là sốt, bứt rứt, mệt mỏi, mạch nhanh, tiểu ít, nước tiểu vàng, táo bón… Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do tác động từ bên ngoài của môi trường hoặc do chế độ ăn uống. Với bệnh lý nóng do nhiệt, thảo dược luôn là cách cân bằng nhiệt nhanh chóng và hiệu quả. Những trường hợp cơ thể nóng gan mật gây nhức đầu, kiết lỵ, mắt đỏ sưng đau, cao huyết áp, vàng da, viêm họng… người bệnh có thể dùng một trong những loại thảo dược như rau má, rau đắng, atisô, nhân trần, cúc hoa, kim ngân hoa, hạ khô thảo, sương sâm để chữa. Với bệnh bứt rứt, mất ngủ, mỡ trong máu tăng, khó tiểu, tiêu đàm, sát trùng… có thể dùng các loại thảo mộc như: lá sen, lạc tiên (nhãn lồng), hoa sứ đỏ, trúc diệp, đỗ xanh, hoa thiên lý, hoa dâm bụt, giúp nhanh chóng hạ hỏa. Ngoài ra, các loại trái cây như dừa, dưa hấu, thanh long, mủ trôm, hạt é dùng cũng rất tốt để làm mát cơ thể, định tâm thần. Đối với những người bị nóng nhiệt gây cảm, sưng hầu họng, thai phụ nôn ói thì nên dùng rau diếp cá, mía lau, đậu ván trắng và sắn dây. Riêng bệnh nhân mắc sỏi niệu, thận suy, viêm thận, thì mã đề, bí đao, đậu đen và bông súng là những loại thảo dược rất có ích. Ưu điểm của loại thuốc cỏ cây là ít gây dị ứng và giá thành lại không cao. Tuy nhiên, để không dùng quá liều, hiệu quả cao, người bệnh cần được các lương y tư vấn.
Lương y Đinh Công Bảy
(Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)
Bình luận (0)