Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những tác hại không ngờ từ… thuốc bổ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thuốc bổ là tên gọi chung cho các thuốc mà thành phần của nó thường là các vitamin, chất khoáng, acid amin (hợp chất đơn giản do chuyển hóa chất đạm tạo thành). Các thuốc này có tác dụng làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể, bồi bổ xương khớp, chống loãng xương.

Bổ sung vitamin bằng việc sử dụng thực phẩm hợp lý là cách tốt nhất.
Các loại thuốc bổ
Thuốc chống ôxy hóa
Loại thuốc này được nhiều người ưa chuộng nhất vì có tác dụng làm tăng tuổi thọ tế bào, lại phòng ngừa được các bệnh nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn thị giác… Do trong thuốc có vitamin E và vitamin C, nên nếu lạm dụng sẽ dẫn đến hậu quả là làm cạn kiệt vitamin A; hoặc gây khó khăn cho việc hấp thu vitamin D khi dùng quá liều vitamin E; gây viêm loét dạ dày, ruột, viêm bàng quang, ống tiết niệu khi dùng vitamin C quá 500mg/ngày.
Thuốc đa vitamin
Trong thành phần của thuốc có rất nhiều vitamin thiết yếu như các vitamin nhóm B, vitamin C, D, E, PP. Thuốc bổ vitamin thường được nhiều người sử dụng để tăng cường sức lực, chống mệt mỏi, bồi bổ cơ thể sau khi ốm… Nếu sử dụng thuốc đa vitamin trong thời gian dài sẽ gây những phản ứng phụ do thừa một vài vitamin nào đó. Chẳng hạn, thừa vitamin D sẽ gây tăng canxi máu, gây canxi hóa mô mềm, xương hóa sụn sớm, suy thận; thừa vitamin A sẽ gây nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, viêm da, dễ tử vong… Chỉ nên bổ sung vitamin bằng thuốc khi có các triệu chứng bệnh lý điển hình do thiếu vitamin nào đó. Chẳng hạn khi bị phù thũng, ăn chậm tiêu… cần bổ sung vitamin B1; trẻ bị còi xương phải được uống vitmin D. Tuy nhiên, bổ sung vitamin gì, liều lượng bao nhiêu… phải có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc đa khoáng chất
Đây là loại thuốc ngoài các vitamin thiết yếu còn được bổ sung các khoáng chất như canxi, sắt, magiê, iod… Thuốc bổ đa khoáng chất nếu dùng quá liều hoặc dùng dài ngày sẽ dẫn đến các tác hại nguy hiểm do thừa khoáng chất.
Thuốc có acid amin
Có khoảng 20 acid amin rất cần cho cơ thể. Do tình trạng ăn uống thiếu cân bằng nên cơ thể chúng ta hầu hết thiếu hụt các acid amin. Việc dùng các thuốc có bổ sung các acid amin là cần thiết nhưng chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc 3B
Thông thường, viên 3B được dùng để phòng đau nhức thần kinh, cơ bắp, thấp khớp và suy dinh dưỡng. Viên 3B là sự phối hợp của vitamin B1, B6 và B12 trong 1 viên, với hàm lượng trong mỗi viên gấp hàng trăm lần nhu cầu bình thường hằng ngày. Chính vì thế, khi sử dụng thuốc bổ 3B cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc vitamin C
Có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, chống chảy máu chân răng, chống lão hóa, giảm dị ứng, nhiễm trùng. Nhưng không vì thế mà sử dụng thường xuyên, vì vitamin C cũng có tác dụng phụ. Dùng trên 1000mg/ngày trở lên có thể viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, viêm bàng quang, ống tiết niệu, do acid ascorbic. Dùng trên 2g/ngày sẽ gây mất ngủ, tạo sỏi oxalat, ức chế bài tiết insulin, tăng huyết áp, tổn thương thận do tăng tổng hợp corticoit và catecholamin.
Thuốc chống loãng xương
Đây là thuốc bổ hỗn hợp giữa canxi và vitamin D, có tác dụng phòng chống loãng xương rất hiệu quả. Nhưng không vì thế mà lạm dụng vì dễ dẫn đến tăng canxi máu, gây vôi hóa mô mềm, xương hóa sụn và suy thận.
Phải cẩn trọng khi dùng
Bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Không chỉ bệnh tật mà chính tai biến do thuốc là nguyên nhân gây thương vong rất lớn cho con người.
Ở Mỹ, người ta ước tính hằng năm phải tiêu tốn khoảng 150 tỉ USD để xử lý tai biến do thuốc, có 5 – 20% bệnh nhân nhập viện phải gánh chịu tai biến do thuốc trong suốt thời gian nằm viện, hoặc có khá nhiều người không cứu được, dẫn đến tử vong…
Thuốc là con dao hai lưỡi, vì thế chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, tốt nhất nên đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo Sức khỏe & Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)