Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khi trẻ hiếu động thái quá

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ hiếu động thường không ngừng chạy nhảy, leo trèo

Nhiều phụ huynh khi thấy con mình tỏ ra hiếu động đã vội vui mừng bởi họ cho rằng điều đó thể hiện trí thông minh của trẻ. Tuy nhiên, trẻ tinh nghịch, quậy phá quá mức đôi khi còn là biểu hiện của chứng bệnh hiếu động.
Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về chứng hiếu động ở trẻ. Phần lớn họ thường ngộ nhận, không nghĩ đây là một căn bệnh mà chỉ là sự nghịch ngợm, tính thích “quậy” của trẻ con. Do đó, nhiều phụ huynh chỉ phát hiện và đưa con đi khám khi bệnh đã trở nặng.
Ngộ nhận
Trường hợp của chị Hoàng Châu (Q.7) đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khi bệnh hiếu động của bé Trần Anh Khoa (8 tuổi) đã chuyển sang giai đoạn phức tạp. Chị Châu cho biết: “Từ nhỏ, Anh Khoa đã tỏ ra là một đứa trẻ thích quậy phá và hay chọc ghẹo người khác. Ban đầu gia đình cứ ngỡ đó chỉ là những biểu hiện hiếu động thường có ở trẻ con. Thế nhưng, càng lớn sức học của Khoa càng giảm. Bé rất hay quên và thường không để ý đến lời nói của người khác. Ở nhà, bé rất hay chạy nhảy, leo trèo và luôn miệng nói, hỏi nhưng lại không cho, không đợi người khác trả lời đã chuyển sang câu hỏi khác. Thấy khác lạ, chúng tôi đưa con đi khám thì được các bác sĩ cho biết bé mắc chứng hiếu động”. Ngược lại, anh Duy đưa con từ Bình Thuận vào khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, kể: “Vợ chồng tôi đều là dân buôn bán, công việc khiến chúng tôi ít có thời gian nên giao con cho người giúp việc chăm sóc. Mỗi lần thấy bố mẹ đi làm về, bé Na (4 tuổi) cứ chạy theo kéo áo, giật tóc và rất hay chen ngang vào cuộc nói chuyện của người lớn bằng những câu hỏi không đâu và… không cần lời đáp. Ở trường cô giáo cho biết bé rất “quậy”, hay giật đồ chơi của các bạn nhưng giành xong không chơi mà… để đó rồi đi giật của bạn kế tiếp. Thấy con hiếu động quá mức, chúng tôi tìm hiểu mới phát hiện bé bị bệnh”…
Theo quan sát của chúng tôi tại các khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, hầu hết trẻ mắc bệnh hiếu động đều đứng ngồi không yên. Các bé thường thay đổi hành động một cách nhanh chóng, vừa mới leo lên băng ghế này, chưa “yên vị” đã chuyển sang trèo lên băng ghế khác trong khi gương mặt, vóc dáng có vẻ mệt mỏi, phờ phạc. Anh Duy cho hay, chỉ khi nào “quậy” mệt bé Na mới chịu ngồi yên rồi tự động lăn ra ngủ.
Bệnh cần sớm phát hiện
Bác sĩ Thủy cho rằng: “Trẻ mắc bệnh hiếu động có biểu hiện thiếu tập trung, không chịu ngồi yên một chỗ và rất khó kiên nhẫn để duy trì một trò chơi mà luôn tỏ ra hấp tấp, vội vàng. Trẻ mắc bệnh này thường không suy nghĩ khi hành động như đuổi theo một quả bóng ra đường mà không quan tâm đến những nguy hiểm đang rình rập chung quanh. Bệnh hiếu động nếu không được phát hiện sớm thì càng lớn trẻ càng trở nên hung hăng, ảnh hưởng đến việc chữa trị”.
Tuy nhiên bác sĩ Thủy cũng nhấn mạnh, không phải trẻ em nào luôn quậy phá, tinh nghịch cũng đều mắc bệnh hiếu động. Các bậc phụ huynh cần phân biệt giữa tính hiếu động và bệnh hiếu động ở trẻ. Tính hiếu động thể hiện ở sự năng động, thích khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh và điều này có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Để làm được điều nói trên, phụ huynh cần có thời gian quan tâm, quan sát và theo dõi đến thái độ, hành động của trẻ để từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời bằng cách đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý – tâm thần nhi.
Bài, ảnh: Ngân Du

“Để điều trị bệnh hiếu động ở trẻ (còn gọi là bệnh ADHD – rối loạn chú ý, tăng vận động), ngoài sử dụng thuốc, gia đình cần quan tâm đúng mực đến trẻ. Các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn, cư xử dịu dàng cũng như khuyến khích con em mình tham gia vào những công việc phù hợp với lứa tuổi và đừng la mắng nếu trẻ làm sai. Khi trò chuyện, người làm cha mẹ cần tập cho con thói quen hình dung được hậu quả khi làm một điều gì cũng như giúp con tập trung vào câu chuyện bằng cách bắt trẻ nhìn vào mắt người đang đối thoại, tránh lơ đễnh…” – Bác sĩ Thái Thanh Thủy khuyến cáo như thế.


Bình luận (0)