Mặc dù trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước không xảy ra các vụ ngộ độc lớn nhưng số người nhập viện cấp cứu và điều trị vẫn tăng đột biến. Trong đó, đáng lưu ý không ít trường hợp phải nhập viện điều trị dài ngày, thậm chí tử vong chỉ vì ăn uống quá đà, hoặc cố tình “đánh chén” những thực phẩm không bảo đảm an toàn và độc hại…
Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc.
Tùy cơ địa mỗi người
Mặc dù cơ quan y tế liên tục cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu heo sang người do ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn coi thường, phớt lờ mối nguy hiểm này để phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ở khu điều trị tích cực của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, anh L.T.H. (ở Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã điều trị được gần một tuần nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu, thều thào nói: “Mấy anh em thường hay ăn tiết canh đầu tháng và đầu năm nhưng ai ngờ năm nay chỉ có một bát tiết canh heo mán mà tôi bị nhiễm bệnh phải vào cấp cứu”.
Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân H. là một trong những ca nghi nhiễm khuẩn liên cầu heo mới nhập viện trong dịp tết vừa qua. Bệnh nhân này được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, trên vùng da ở chân, tay xuất hiện các vết ban đỏ xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Cơ quan chức năng và báo chí đã liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm của căn bệnh liên cầu heo nhưng nhiều người vẫn cứ bỏ ngoài tai. Dịp tết vừa qua, BV đã cấp cứu, điều trị nhiều ca nghi nhiễm liên cầu heo mà trước đó từng khoái khẩu với… tiết canh. Đặc biệt, trong số bệnh nhân nhập viện có một ca đã tử vong và qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này đã nhiễm liên cầu heo. Bác sĩ Cấp cho biết thêm, trường hợp tử vong là một bệnh nhân nam ở Thái Bình được chuyển tới BV vào đúng ngày mùng 1 Tết, trong tình trạng tụt huyết áp, sốc, mặc dù đã được các y bác sĩ cấp cứu với các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, tích cực nhưng do huyết áp không hồi phục nên bệnh nhân đã tử vong ngay trong tối cùng ngày. Qua tìm hiểu trước khi nhiễm bệnh và tử vong, bệnh nhân này đã cùng gia đình giết heo và đánh tiết canh ăn tất niên. Sau khi ăn một ngày, bệnh nhân sốt cao, rối loạn tiêu hóa, mặc dù được người nhà đưa ngay tới trạm xá, sau đó là BV tỉnh nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xấu đi vì nhiễm khuẩn quá nặng.
Theo bác sĩ Cấp, việc cảm nhiễm vi khuẩn liên cầu heo phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và số lượng vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào cơ thể. Điều này lý giải vì sao chỉ một hai người bị nhiễm bệnh trong số nhiều người cùng ăn tiết canh được làm từ một con heo. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân bị nhiễm liên cầu heo, bệnh tình diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phát ban hoại tử nhiều trên da, sốc, suy hô hấp phải thở máy nên nguy cơ tử vong rất cao. Nếu có cứu chữa được thì thời gian điều trị nhanh nhất cũng phải mất vài tuần, thậm chí có những những ca nhiễm trùng huyết phải điều trị đến vài tháng với chi phí tốn kém.
Nhập viện vì quá đà
Trong dịp nghỉ tết vừa qua, mặc dù cả nước không xảy ra các vụ ngộ độc làm nhiều người mắc nhưng đáng báo động là số người nhập viện do quá chén và ăn uống quà đà lại tăng một cách đáng lo ngại. PGS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, trong những ngày tết, có ngày trung tâm phải tiếp nhận 6 – 10 ca cấp cứu do ngộ độc, trong đó đa phần ngộ độc rượu và đã có trường hợp ngộ độc quá nặng không thể qua khỏi. Phần lớn bệnh nhân ngộ độc rượu đều nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn nhiều nên mất điện giải, hạ đường huyết, mất phản xạ, thậm chí suy thận, suy gan… do uống nhiều loại rượu khác nhau và gặp phải rượu có hóa chất với hàm lượng cồn công nghiệp quá cao.
Không chỉ bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao mà ghi nhạân tại một số BV như Bạch Mai, Nội tiết, Tim mạch cho thấy, số bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, gout cũng gia tăng mạnh. Tại BV Nội tiết trung ương, sau những ngày nghỉ tết, số người tới đo đường huyết và bệnh nhân tiểu đường đã tăng trên 30%. Trong đó nguyên nhân chủ yếu do người bệnh không thực hiện đúng chế độ ăn và điều trị, nhiều người đã chủ quan, ăn uống vô độ, tự ý bỏ thuốc điều trị, uống thuốc không đều, uống quá nhiều rượu bia.
Cùng với đó, số bệnh nhân gout, trong đó có nhiều trường hợp trẻ tuổi cũng gia tăng đáng kể. Các bác sĩ cho biết, gout là một bệnh chuyển hóa thường gặp. Bệnh nhân gout thường có triệu chứng sưng nóng, đỏ đau ở các khớp, nhất là ở bàn chân và tay sau những trận chén quá đà. Nguy hiểm hơn, trên 50% số bệnh nhân gout thường có thêm bệnh lý tim mạch đi kèm như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Đây là những bệnh dù không lây nhiễm nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần ăn uống một cách hợp lý, không nên uống nhiều rượu bia, hạn chế các thức ăn chứa nhiều đạm và mỡ như: nội tạng động vật, tim, gan, trứng, các loại thịt đỏ, hải sản, đồ ngọt. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh gout, tiểu đường, tim mạch thì cùng chế độ ăn uống hợp lý cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, đường huyết và sử dụng các loại thuốc phòng ngừa theo chỉ dẫn của bác sĩ.
MINH KHANG (SGGP)
Bình luận (0)