Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bất thường lỗ tiểu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Lỗ tiểu đóng thấp ở vị trí thấp so với dương vật là dị tật thường gặp ở các bé trai, và là nguyên nhân khiến người ta dễ nhầm lẫn giới tính của bé.
Rất nhiều trường hợp
PGS-TS Lê Tấn Sơn, Trưởng khoa Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), cho biết lỗ tiểu đóng thấp là dị tật gặp nhiều nhất trong các bệnh lý về niêu nhi , với tỷ lệ chung là bình quân cứ 250 trẻ trai sinh ra thì có 1 trường hợp lỗ tiểu đóng thấp. Trong số khoảng 250-400 trường hợp bệnh lý niệu nhi mà Khoa Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2) tiếp nhận mỗi năm thì lỗ thiểu đóng thấp ở bé trai chiếm nhiều nhất.
 
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám cho một trẻ trai có lỗ tiểu đóng thấp – Ảnh: T.Tùng
Ở bệnh nhân người lớn, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM), cho biết lỗ tiểu đóng thấp là bệnh lý mà khoa này thường xuyên tiếp nhận. Bác sĩ Phan Tấn Đức, Khoa Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết thêm: bình thường thì lỗ tiểu đóng ở vị trí đỉnh quy đầu, còn lỗ tiểu đóng thấp thường gặp nằm ở thân dương vật hoặc gốc dương vật, hay vùng bìu và tầng sinh môn của trẻ.
Có 3 thể lỗ tiểu đóng thấp gồm: thể trước, thể giữa và thể sau – để chỉ về vị trí lỗ tiểu so với thân dương vật. Nếu lỗ tiểu càng xa thân dương vật thì mức độ bệnh càng nặng hơn. Ở thể nhẹ, khi trẻ đi tiểu, nước tiểu sẽ chảy xuống hai chân; ở thể nặng khi đi tiểu thì thường trẻ trai phải ngồi như trẻ gái. Với thể nặng, dương vật tụt sâu vào trong, tinh hoàn nằm trên cao mà không nằm ở bìu nên có thể gây nhầm lẫn giới tính. Dị tật lỗ tiểu thấp thường đi kèm theo với dị tật dương vật cong – là tình trạng dương vật bị cong xuống do dây xơ bất thường khiến quy đầu dính sát vào gốc dương vật. Ngoài ra, lỗ tiểu đóng thấp còn có thể đi kèm với các bệnh lý như tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn…
Cần chữa trị sớm
Do phải tiểu ngồi, cộng với những bất thường như nói trên, nên trẻ trai có lỗ tiểu đóng thấp ngoài việc bất tiện trong sinh hoạt, còn dễ khiến trẻ bị nhầm tưởng về giới tính là nữ. Do vậy cần phải sớm can thiệp về y khoa để bộ phận sinh dục trẻ trở lại bình thường; cũng như giúp trẻ không bị ảnh hưởng tâm lý về sau.
Theo PGS-TS Lê Tấn Sơn, cần can thiệp, phẫu thuật ở thời điểm trẻ 2-3 tuổi là tốt nhất, đạt hiệu quả cao hơn so với để trễ. Bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình đưa lỗ tiểu lên đỉnh quy đầu như bình thường; và giải quyết những bất thường khác kèm theo (chẳng hạn như đưa dương vật thẳng lại). Thời gian phẫu thuật lỗ tiểu đóng thấp thường từ 1 tiếng rưỡi đến 4 tiếng đồng hồ, tùy trường hợp. Biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, theo PGS-TS Lê Tấn Sơn, từ khoảng 10 – 40%. Các biến chứng có thể gặp như: tiểu thành 2 đường (2 tia nước tiểu ra ở đường cũ và đường mới), hẹp đường tiểu.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)