Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách xử lý khi bị đau mắt đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa mưa là lúc bệnh đau mắt đỏ dễ phát triển thành dịch trong cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những điều bạn cần biết để "ứng phó" với loại bệnh này.

Bệnh đau mắt đỏ, bản chất là viêm kết mạc cấp do virus. Adenovirus là loại virus phổ biến nhất trong việc lây nhiễm bệnh. Mùa mưa, điều kiện thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm không khí…) phù hợp cho sự phát triển của virus, tạo điều kiện cho virus lây lay nhanh chóng và phát tán gây thành dịch bệnh trong cộng đồng.

Khi bị đau mắt đỏ, mắt người bệnh thường bị sưng nề, sưng húp làm khe mi hẹp lại, kết mạc đỏ lừ, nước mắt chảy nhiều kèm theo dử mắt làm mắt dấp dính, lèm nhèm và nhiều lúc nhòe đi, cảm giác rất ngứa và khó chịu, chỉ muốn day, dụi mắt.

Ảnh minh họa

Về mặt lâm sàng, bệnh đau mắt đỏ gồm có hai thể chính là viêm kết mạc – họng – hạch và viêm kết giác mạc. Người bệnh bị viêm kết mạc – họng – hạch có các triệu chứng như mắt đỏ, họng đau, ho, sờ thấy hạch nổi lên ở trước tai, sau tai hoặc dọc theo cổ; với những trẻ nhỏ có thể kèm theo sốt. Thể viêm kết giác mạc (chỉ có ở mắt) vừa tấn công vào kết mạc – lòng trắng làm mắt đỏ, vừa tấn công vào giác mạc – lòng đen gây ra viêm giác mạc đốm, dưới biểu mô. Cả hai thể này đều lây lan rất mạnh.

Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần. Trong thời gian đó virus vào cơ thể tiếp tục sinh sôi, nảy nở cho đến khi đủ số lượng nhất định để gây bệnh. Với những người có sức đề kháng tốt sẽ kìm hãm sự phát triển của virus khiến nó không thể gây bệnh.

Các nguồn lây bệnh

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây theo đường trực tiếp khi tiếp xúc với nước mắt, dử mắt tiết ra. Trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ thường hay lấy tay day, dụi mắt làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Sau đó bàn tay có chứa virus gây bệnh lại đặt lên bàn học, ghế hay lên tay, mặt trẻ khác… làm lây nhiễm bệnh. Các bác sỹ đôi khi cũng là nguồn lây bệnh khi họ khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ xong, tay không sát trùng cẩn thận và đặt vào mi mắt khám cho bệnh nhân khác, vô tình gây nên bệnh.

Một nguồn lây bệnh trực tiếp khác là do dùng chung khăn mặt, thau, chậu và thuốc nhỏ mắt. Theo khuyến cáo, các loại thuốc nhỏ mắt cần được nhỏ cách mắt vài cm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều này và nhỏ thuốc mắt sai cách (nhỏ sát vào lông mi, bờ mi) làm đầu lọ thuốc nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan.

Bệnh có thể lây qua đường không khí như khi ho làm virus phát tán ra ngoài không khí. Chẳng vậy người xưa có câu “Đừng nhìn vào nó, nó bị đau mắt đấy” là muốn nói về việc lây bệnh qua đường không khí chứ không phải nhìn đơn thuần mà bị đau mắt đỏ.

Hướng xử lý khi bị bệnh

Hiện chưa có thuốc đặc trị tiêu diệt virus gây bệnh đau mắt đỏ. Trong phác đồ điều trị, hầu như điều trị các triệu chứng và làm cơ thể tăng sức đề kháng chống lại sự hoạt động của virus. Gồm có: thuốc chống viêm nhẹ (một số loại chỉ dùng cho người lớn mà không dùng cho trẻ nhỏ) để chống sưng lề, thuốc giảm xuất tiết, kháng sinh phòng bội nhiễm do vi khuẩn và thuốc giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Nhìn chung bệnh có xu hướng tự khỏi. Sau khoảng 10 ngày bệnh sẽ giảm dần và khỏi, sự điều trị chủ yếu mang tính hỗ trợ. Riêng thể tấn công vào giác mạc thì những đốm trắng có thể mất đi sau một tháng và làm thị lực bị suy yếu.

Với thể viêm kết mạc – họng – hạch thì cần kết hợp điều trị họng, hạch. Có thể súc miệng bằng nước muối và dùng thuốc bổ (đường uống) cho cơ thể.

Một số trường hợp nặng gây ra viêm kết mạc có giả mạc. Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh đang có chiều hướng nặng thêm và độc tính của virus cao. Những trường hợp này mắt sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc không ngấm vào được tổ chức bệnh. Do vậy cần có sự can thiệp của bác sỹ giúp bóc bỏ lớp màng để thuốc phát huy tác dụng. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc phải viêm kết mạc có giả mạc.

Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều nếu giả mạc không được bóc đi. Bệnh kéo dài và lâu khỏi. Khi khỏi, giả mạc bị xơ hóa, co rút lại làm cho bề mặt sau kết mạc mi dúm dó, gây cạn cùng đồ làm mắt khó liếc nhìn về các phía.

Các biện pháp phòng tránh

Biện pháp chung là cách ly người bị mắc bệnh. Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày. Người bệnh có thể là nguồn lây tiếp tục sau khi khỏi bệnh một tuần. Do đó cần cắt đứt hai đường lây bệnh, nguồn lây trực tiếp và qua đường không khí bằng cách tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.

Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Lưu ý khăn mặt, khăn tắm cần giặt sạch bằng xà phòng, đem phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh.

Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác. Nhỏ nước muối 0,9% vào mắt hàng ngày.

Khử trùng các bề mặt như bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng thuốc của người khác để nhỏ mắt khi bị bệnh. Không tự đắp lá dâu, lá trầu,… vào mắt vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh đau mắt đỏ đã được chữa khỏi. Việc trang điểm mắt và sử dụng các loại kem mỹ phẩm cũng nên tránh vùng mắt cho đến khi các triệu chứng của đau mắt đỏ không còn.

Bệnh viện cũng là môi trường phát tán dịch trong mùa dịch do tần suất gặp gỡ giữa người bệnh với người khỏe mạnh ở bệnh viện rất cao. Do đó, vào mùa dịch không nên đến bệnh viện khi không cần thiết và nên tránh những nơi đông người như chợ, siêu thị, thang máy.

Lan Dương tổng hợp

GiadinhNet

Bình luận (0)