Tại VN, theo nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ bé biếng ăn trong độ tuổi từ từ 1 – 6 là 38%. Quan trọng hơn, có 40% những bé biếng ăn này có dấu hiệu biếng ăn ngay từ khi dưới 3 tuổi. Theo các nghiên cứu trên thế giới, có 20 -45% bé biếng ăn trong độ tuổi từ 1 – 5.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Đây là số liệu vừa được công bố tại Hội thảo giới thiệu quyển sách Chẩn đoán và Điều trị các rối loạn nuôi ăn ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội do Viện bào chế Abbott và Hội Dinh dưỡng đã phối hợp tổ chức vừa qua. Hội thảo thu hút hơn 1.000 các bác sĩ chuyên khoa Nhi và các chuyên gia dinh dưỡng trong toàn quốc.
Trong quyển sách của mình, GS. Irene Chatoor (Phó chủ tịch Khoa Tâm thần học, Giám đốc điều hành Chương trình Sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ và nhũ nhi thuộc Trung tâm Y học quốc gia dành cho trẻ em Mỹ) đã phân loại và phân tích nguyên nhân gây nên việc từ chối ăn ở trẻ (ví dụ như biếng ăn nhũ nhi, ác cảm với thức ăn, rối loạn nuôi ăn do điều chỉnh trạng thái hoặc do bệnh lý nội khoa, rối loạn nuôi ăn sau chấn thương…). Chính việc chẩn đoán giúp xác định đúng được nguyên nhân gây nên chứng biếng ăn ở trẻ là cơ sở để BS. Chatoor đưa ra các hình thức điều trị phù hợp.
Là kết quả của nhiều năm nghiên cứu tâm huyết về đề tài các rối loạn nuôi ăn ở trẻ nhỏ, quyển sách này đã được GS. Chatoor báo cáo tại nhiều hội nghị quốc gia và quốc tế, và dùng để huấn luyện các chuyên gia trong chẩn đoán và điều trị các rối loạn ăn uống. Tác giả Irene Chatoor cũng đã đoạt giải thưởng Irving B. Harris của nhà xuất bản Zero To Three vì đã đưa ra những vấn đề mới, quan trọng tạo nên sự khác biệt lâu dài trong cách chăm sóc trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và gia đình.
Có một điều đặc biệt là hầu hết các bậc cha mẹ đều cho rằng thiếu hụt dinh dưỡng hay các dưỡng chất chỉ xảy ra khi trẻ ăn ít. Nhưng, ngay cả việc trẻ chỉ ăn một vài món nhất định như ăn thịt mà không ăn rau… cũng dẫn tới thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Theo TS. Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng VN: “Biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng về mặt thể chất, chẳng hạn như sút kém trong phát triển và chậm hấp thu dưỡng chất. Ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ cũng là một vấn đề đáng quan tâm”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nếu bố mẹ tỏ ra lo lắng thái quá, và tiến hành các biện pháp cưỡng bức ăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối tương tác giữa họ và trẻ nhỏ.
Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng, biếng ăn chỉ ảnh hưởng đến thể trạng của bé như chiều cao và cân nặng nhưng thực tế, hậu quả của nó còn nguy hiểm hơn nhiều. Biếng ăn ban đầu dẫn tới sụt cân nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, khiến trẻ đánh mất nhiều cơ hội so với bạn bè cùng trang lứa. Một số nghiên cứu còn cho thấy, biếng ăn có thể dẫn tới những biến chứng trong quá trình phát triển của trẻ, gia tăng các bệnh mãn tính.
Do số lần ăn và số lượng ăn không đủ nên biếng ăn sẽ dẫn tới thiếu hụt chất khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao và cân nặng; giảm khả năng hấp thụ chất. Biếng ăn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị giảm sức đề kháng. Vì thế, những bé biếng ăn thường có số ngày bệnh nhiều hơn 29% và có nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn 45% so với bé bình thường.
Ngay khi thấy con mình có những dấu hiệu biếng ăn, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và chữa trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nhưng, điều quan trọng nhất trong quá trình chữa trị, cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ bằng việc bổ sung các loại thức ăn đủ chất, đủ lượng với 4 nhóm thực phẩm: đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, vì trẻ đang biếng ăn, khả năng hấp thụ kém nên cha mẹ cần chú trọng bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như sữa dành cho trẻ biếng ăn để “lấp đầy” những “lỗ hổng” về sự thiếu hụt dưỡng chất của bé.
Theo Gia Hân
Sức khỏe & đời sống
Sức khỏe & đời sống
Bình luận (0)