Bạn có một chiếc máy ảnh mới nhưng chưa biết sử dụng thế nào cho đúng. Có một số bước tinh chỉnh quan trọng đối với một chiếc máy ảnh mới mà bạn cần biết để có được những bức ảnh ưng ý hơn.
Bật chế độ Burst: Với những chiếc máy ảnh “ngắm-và-chụp” (point-and-shoot) thì thật khó có thể chụp được những bức ảnh liên tiếp như kiểu máy số DSLR. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng chế độ “burst mode” hoặc “continuous shooting” (chụp liên tiếp) để có được những bức ảnh ưng ý hơn trong một loạt các bức ảnh chụp.
Điều chỉnh độ nhạy sáng: Với những chiếc máy ảnh “ngắm-và-chụp” thì độ nhạy sáng (ISO) nên để ở mức 400; còn với những chiếc máy DSLR cấp thấp thì ISO nên được điều chỉnh trong khoảng từ 800-1600. ISO càng lớn thì mức nhiễu càng lớn hơn nhưng trong điều kiện ánh sáng thấp thì ảnh sẽ đẹp hơn. Trong điều kiện ánh sáng vừa phải thì nên để độ ISO ở mức trung bình.
Tắt đèn flash: Đôi khi đèn flash lại là nguồn gốc vấn đề khiến cho ảnh chụp xấu hơn. Có vài cách để hạn chế “tác hại” của đèn flash. Thứ nhất là kiểm tra thủ công khoảng cách tối thiểu và tối đa của đèn flash, thường từ 2 – 3,6m. Thứ hai là đối với máy DSLR thì nên phủ một tấm bìa mỏng (như kiểu vỏ bao thuốc lá) lên phía trên đèn flash. Và cuối cùng là hãy tắt chức năng đèn flash đi nếu bạn không kiểm soát được chúng. Dù sao thì chụp ảnh với ISO cao hơn cũng đỡ hơn là để chức năng đèn flash mà không biết hiệu chỉnh.
Sử dụng chân máy ảnh: Nếu muốn chụp ảnh đẹp trong môi trường ánh sáng yếu, bạn cần để ánh sáng lưu trên bộ cảm biến ảnh lâu hơn. Và cách duy nhất để giữ cho những tấm hình sắc nét trong trường hợp này là máy phải được cố định.
Tuy một số loại máy ảnh “point-and shoot” vẫn có chức năng ổn định hình ảnh (chống rung) nhưng nếu bạn sử dụng chân máy để cố định thì sẽ tốt hơn. Còn nếu bạn không có chân máy thì nên để máy ảnh trên một bề mặt cố định, chẳng hạn như mặt bàn hoặc tấm kính, khi đó ảnh chụp sẽ đẹp hơn.
Chống lóa: Trong bất cứ tình huống nào khi ánh sáng mặt trời hoặc một nguồn sáng khác chiếu vào ống kính máy ảnh (không trực tiếp) thì một phần của tấm ảnh sẽ trở nên sáng chói. Đôi khi đây cũng là một thủ thuật chụp ảnh có dụng ý nhưng không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả mong muốn. Giải pháp tốt nhất là sử dụng một vật chắn, có thể là mảnh giấy, tay che, hoặc bất cứ thứ gì, để ngăn không cho nguồn sáng tiếp xúc với ống kính máy ảnh.
Chụp ở định dạng RAW: Với những dòng máy ảnh DRLR, hãy nhớ là luôn để định dạng ảnh ở RAW, chứ không phải là JPEG. Nếu để ở JPEG có thể ảnh vẫn đẹp nhưng đó là sản phẩm đã được nén và đóng gói. Còn khi để ở RAW, bạn sẽ giữ nguyên được những giá trị gốc của bức ảnh. Bạn cần phải có phần mềm mới xử lý được ảnh RAW, nhưng thật may là hầu hết những chiếc máy ảnh hiện nay đều có phần mềm này, và bản thân Photoshop cũng xử lý được ảnh RAW.
Phụng Nghi (Theo TPO)
Bình luận (0)