Tòa soạnThư đi – tin lại

Vì sao học sinh ở tỉnh đổ xô về thành phố học?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến có sĩ số học sinh ở tỉnh rất cao

Nhiều bậc phụ huynh ở tỉnh đã không ngại tốn kém, cho con vào thành phố học với mong muốn con mình sẽ có được một nền tảng kiến thức vững chắc để sau này có thể thi đậu vào đại học, cao đẳng. Vậy có hay không khoảng cách giữa chất lượng giáo dục ở tỉnh và thành phố?
Học sinh tỉnh về thành phố học ngày càng nhiều
 Trong những năm gần đây, các trường THPT tư thục như: Nguyễn Khuyến, Nhân văn, Trương Vĩnh Ký… tại TP.HCM đã thu hút rất đông học sinh ở các tỉnh về đây học. Cụ thể là các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Cô Nguyễn Yên Chi, giáo viên Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến cho biết: mỗi năm có khoảng 30-40% học sinh bậc THPT ở các tỉnh về đây học.
Chi phí cho mỗi HS tại những trường này không phải là thấp. Vì vậy, với HS ở tỉnh, kinh tế gia đình khá giả thì PHHS mới có thể cho con em mình vào đây học. Trên thực tế, học sinh các trường THPT tư thục thành phố có tỉ lệ đậu ĐH hàng năm rất cao. Cô Chi cho biết, năm nay số hồ sơ đăng kí thi ĐH nguyện vọng 1 của Trường Nguyễn Khuyến đậu 86,1%, đó là chưa kể những em đậu nguyện vọng 2. Nhiều em có số điểm rất cao như: em Triệu Thạch Vũ đậu ĐH Bách khoa (30 điểm), em Trần Duy Khiêm đậu ĐH Ngoại thương (29,5 điểm), em Trần Duy Cường đậu ĐH Ngân hàng (29 điểm)…
Tiếng lành đồn xa, các bậc PHHS đều cố gắng cho con mình về các trường THPT tư thục này học. Chúng ta không phủ nhận rằng, trong đó PH cũng có sự đua nhau cho con về TP học, nhưng chính chất lượng đào tạo mới là động lực đưa họ đến phong trào đó.
Sự khác biệt về điều kiện học tập
Cùng một lượng kiến thức như nhau nhưng học sinh các trường ở tỉnh được dạy đúng tiết chuẩn của Bộ đưa ra, nội dung bài cô đọng trong sách giáo khoa. Với chương trình nâng cao cho khối A, B, D các em được tiếp cận trong những giờ học thêm. Đối tượng học sinh tiếp cận với kiến thức nâng cao không đều, vì không phải mọi học sinh đều được đi học thêm. Ngược lại, HS tại các trường ở thành phố được học và làm bài nâng cao ngay trong giờ học ở lớp, số tiết được tăng lên nên giờ dạy chương trình nâng cao có nhiều. Thậm chí các em phải làm rất nhiều bài tập nâng cao. Giải thích cho việc này, cô Chi cho biết điều đó giúp các em làm được nhiều dạng bài, từ các bài cơ bản đến các bài nâng cao, ngoài ra giúp các em phải cố gắng tập trung học, nỗ lực hết mình.
Thực trạng chung đối với các học sinh ở tỉnh là luôn đặt mục tiêu phải đậu ĐH hoặc CĐ, phần lớn, nếu không đậu thì các em nghỉ học để làm vườn, rẫy, có em làm công nhân, một số em gia đình khá thì cho học nghề rồi về mở tiệm. Điều bất cập là khi xác định chọn trường, nhiều HS còn rất mơ hồ, không rõ ngành mình học ra sao, có phù hợp với năng lực học của mình, khi vào học ĐH, nhiều em thấy chán, chấp nhận học cho xong “cái ngành” mình đã chọn. Ngược lại, HS thành phố không đặt nặng vấn đề đó, bởi các em được định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong giai đoạn phổ thông. Được các thầy, cô định hướng cụ thể, dựa vào điểm sàn năm trước của từng ngành và tùy vào năng lực học của mình, các em lựa chọn những trường phù hợp. Khi không đậu ĐH, CĐ, các em cũng hướng đến các trường học nghề, không nhất thiết phải vào được ĐH. Đây là hướng mà ngành giáo dục đang phân luồng, nhằm giải quyết việc làm ở độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp.
Bạn Nguyễn Phi Yến (quê Bình Phước) hiện đang làm tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Q.10, từng học lớp 12 tại Trường Nguyễn Khuyến cho biết: “Mục đích của các bạn học sinh ở tỉnh về đây học là để đậu ĐH. Chúng mình phải học trong khuôn khổ giờ giấc, được rèn tính chủ động trong việc học, không phải học thêm ở ngoài và ở đây thầy cô đã định hướng lực học của chúng mình đủ khả năng vào trường nào: ĐH, CĐ hay TC. Chính vì vậy, khi ra trường các bạn đều chọn được trường, ngành phù hợp để học”.
Bạn Yến nhấn mạnh: “Khi học ở đây, môn Anh văn có khác nhiều so với học ở trường tỉnh. Ngoài học ngữ pháp, soạn bài thì còn có thời gian nghe, đàm thoại, trao đổi bằng tiếng Anh. Đó là một cách thực hành giúp chúng mình nhớ từ vựng, rèn luyện kỹ năng nghe nói, phát âm. Bằng cách này, khả năng nói tiếng Anh tốt hơn và tiến bộ rất nhanh. Nhờ vậy, chúng mình mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Ở trường tỉnh, hình thức này còn hạn chế rất nhiều, thậm chí có nơi học sinh không có giờ nghe, nói…”.
Tiếng Anh là môn học cơ bản, là điều kiện cần thiết khi sinh viên ra trường xin việc. Với phương pháp giảng dạy và điều kiện ở các trường tỉnh đã lí giải vì sao HS, SV ở tỉnh thường bị yếu môn tiếng Anh. Ngay từ đầu, các bạn đã quen với phương pháp học nắm từ vựng, ngữ pháp, thụ động với đàm thoại, giao tiếp nên khi vào đại học, kiến thức cơ bản rất khó nâng cao, gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi giao tiếp.
Nói lên sự khác biệt này, không phải chúng ta khen các trường THPT tư thục ở thành phố, chê trường tỉnh, mà đó là những điều kiện mà mỗi HS có cơ hội tiếp cận khác nhau. Những điều này lí giải vì sao hiện nay PHHS thường cố gắng cho con về thành phố học. Các em mạnh dạn hơn, có tính tự lập, chủ động trong việc học và kết quả đậu ĐH, CĐ với tỉ lệ cao, đó cũng là nhu cầu phát triển của xã hội.
Ngọc Trinh

Bình luận (0)