Với những mặt tiêu cực từ game online (GO), nhiều người đang nói về nó như một vấn nạn. Chia sẽ với diễn đàn, các game thủ – những “người trong cuộc” và người không chơi game nói gì?
Nghiện game vì thiếu sân chơi
Cần lắm những sân chơi sinh hoạt tập thể như thế cho giới trẻ. Ảnh. T.Lê |
Cả năm học phải chịu không ít áp lực từ việc học hành thi cử, mùa hè, là lúc chúng em mong muốn được vui chơi cho thỏa thích. Nhưng tìm một sân chơi lành mạnh hiện nay không phải dễ mà nếu có thì phải tốn nhiều tiền. Không có sân chơi, nhiều bạn thường tụ tập đá bóng trong các ngõ nhỏ, hay hai bên lề đường, mặc kệ nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không thì cũng chỉ biết ra quán internet gần nhà để chơi GO thôi.
Thỉnh thoảng, em cũng đến các nhà văn hóa chơi hoặc đi bơi. Nhưng đến các nơi này thì phải tốn tiền, mỗi lần đi chơi ít nhất mất 30.000-50.000 đồng/ngày. Mặt khác ở thành phố, các bãi đất trống ít dành cho sân chơi của thanh thiếu niên? Sân chơi thì không được khuyến khích, nhưng nhà hàng, quán nhậu, karaoke, ngay cả nhà nghỉ lại cho phát triển không kiểm soát đã thu hút nhiều bạn vào những trò chơi vô bổ. Điều chúng em cần là một sân chơi mang tính tập thể, bổ ích và an toàn; thông qua vui chơi, chúng em có thể hiểu được sở thích và mối quan tâm của ba mẹ và chúng em cũng học thêm rất nhiều.
Mai Thị Hiền
(Trường THPT Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM)
Nước mắt mẹ đã giúp tôi bỏ game
Tôi đã từng chơi game Võ lâm truyền kỳ suốt ba năm trời, rồi tôi chợt nhận ra rằng mình quá sa đà vào game mà quên việc học hành lúc nào không hay. Từ một học sinh học xuất sắc của trường tỉnh, nhưng vì game mà con đường đến giảng đường đại học của tôi phải dừng lại. Mỗi ngày tôi ôm máy vi tính chơi game từ 10-15 giờ thì thời gian đâu để dành cho việc học? Nhận kết quả thi rớt đại học mà nước mắt mẹ tôi lăn dài trên má, nét mặt cha buồn không nói nên lời. Nhìn dáng mẹ ngày càng còm cỏi sau những ngày làm đồng vất vả để tôi có tiền vào những cửa hàng game trước cổng trường làng “ngồi thiền” từ sáng đến tối, tôi đã hứa với lòng mình là quyết bỏ game. Từ bỏ “cuộc sống” trong game của mình lúc tôi đang trên đỉnh “vinh quang” nhiều lần làm tôi tiếc nuối tột độ. Nhưng ba năm dành phần lớn thời gian và tiền bạc vào game thì tôi lấy đâu thời gian cho cuộc sống thực? Tôi đã bỏ game và làm lại, với nền tảng học tập đã có, tôi không khó khăn lắm tiếp tục con đường học của mình sau một năm “dùi mài kinh sử”. Có nhiều người bạn của tôi không cưỡng lại được sức hút của game nên đã bỏ phí tuổi trẻ của mình vào những trận chiến game. Dù sao GO cũng chỉ là một hình thức giải trí nhưng có một số người quên mất điều này.
Trần Văn Thành
(Lớp DS 32, Trường ĐH Luật TP.HCM)
Không phải cứ chơi game là nghiện
Tôi cho rằng, GO chỉ là một hình thức giải trí, vì vậy không phải ai chơi game cũng nghiện mà phụ thuộc vào mỗi người. Tôi là một giám đốc công ty, sau những giờ căng thẳng với công việc, tôi vẫn dành một khoảng thời gian cho giải trí, trong đó có chơi GO. Có nhiều thứ khả năng gây nghiện và độc hại hơn cả game như thuốc lá, rượu bia… nhưng có ai cấm đâu!! Nếu không có GO, chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn để giải trí khi rảnh rỗi. Đâu phải lúc nào cũng dành hết thời gian cho công việc và gia đình, hay vào quán nhậu hoặc sa đà vào các trò tiêu khiển khác… Do đó, không thể đổ hết lỗi cho GO. Vừa qua quyết định đóng cửa các quán internet và server game từ 23h đêm đến 6h sáng hôm sau là phù hợp, vì sẽ hạn chế được việc thức đêm của đại đa số người chơi game để đảm bảo sức khỏe cho một ngày làm việc mới. Tôi nghĩ, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa nội dung của GO và các tiêu chí đánh giá về GO của nhà quản lý phải rõ ràng; không phải chỉ đứng ở góc độ của người quản lý mà còn cần tham khảo ý kiến của “khách hàng” – người chơi game và người dân. Song song đó, các tổ chức xã hội cùng nhà trường và gia đình nên phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người chơi game để họ làm chủ được hành vi của mình khi chơi game.
Trần Duy Thuận
(CT HĐQT Công ty Đầu tư Phát triển Giáo dục Sao Việt)
Bình luận (0)