Một thực trạng đáng báo động
Các bậc phụ huynh phải thật khéo léo khi đưa ra những “nghệ thuật” để trẻ đối phó với nạn LDTD (ảnh minh họa). Ảnh: T.G |
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới đây đã báo động về tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động và đặc biệt là tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục (LDTD) trên toàn thế giới hiện nay. Theo một nghiên cứu của UNICEF, có từ 5-10% các em gái và có tới 5% em trai đã bị LDTD khi các em ở lứa tuổi thiếu niên.
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin hàng loạt trường hợp LDTD trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những vụ việc điển hình và rõ ràng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp vẫn còn chìm trong im lặng, trong nỗi hoang mang và tuyệt vọng của các nạn nhân lẫn người thân.
Để ngăn ngừa các tình huống không an toàn có thể xảy ra, việc các em trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng về an toàn cá nhân là rất cần thiết. Sự chăm sóc và đụng chạm của người lớn mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương. Kẻ lạm dụng cũng sử dụng những hình thức này để tiếp cận và làm mất đi sự cảnh giác của trẻ lẫn gia đình trẻ. Có thể thấy các trường hợp LDTD gần đây được thực hiện bởi các đối tượng như: Ông hàng xóm, chú hàng xóm, anh hàng xóm, người lạ, người mua bán hàng rong, hoặc đau đớn hơn còn có cả người thân trong gia đình. Tuy nhiên, trẻ có thể phân biệt được đâu là đụng chạm “an toàn” và đâu là đụng chạm “không an toàn” bằng cảm nhận của chính mình với sự hướng dẫn của các bậc cha mẹ.
Cần một “nghệ thuật” trao đổi với trẻ
Nên dạy cho trẻ biết nơi nào trên cơ thể mà người khác được phép và không được phép đụng chạm. Cha mẹ của trẻ ở độ tuổi mầm non không thể nào giải thích cho trẻ hiểu LDTD là gì, hay xâm hại hoặc quấy rối là gì được. Bởi khả năng nhận thức của trẻ ở độ tuổi này còn hạn chế, nên cha mẹ có thể sử dụng một số trò chơi sau để giải thích và hướng dẫn cho trẻ biết những nơi nào trên cơ thể của mình mà người khác có thể động chạm vào và nơi nào không được đụng chạm. Cách tiến hành: Trẻ đã được học ở lớp rằng đèn xanh là được phép đi, đèn vàng là đi chậm lại, và đèn đỏ là đứng yên. Vì thế cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ chuẩn bị trước những mảnh giấy màu (xanh, vàng và đỏ), một hình ảnh bé trai (nếu bé là bé trai), hoặc một hình ảnh của bé gái (nếu bé là bé gái) để nói cho trẻ biết: “Con hãy dán các mảnh giấy màu này lên hình ảnh trên với ý nghĩa miếng giấy màu xanh thì dán vào những chỗ theo con nghĩ là người khác được phép đụng chạm vào, những miếng giấy màu vàng thì con dán vào nơi khi đụng chạm vào thì người khác phải xin phép, những miếng giấy màu đỏ thì con dán vào nơi mà con cho rằng người khác không được đụng chạm vào.
Dạy trẻ biết những điều gì không nên giữ bí mật. Nhiều kẻ LDTD thường dụ dỗ, đe dọa hay ép buộc để trẻ không nói ra cho ai biết. Cha mẹ cần dạy trẻ biết không nên sợ những lời đe dọa. Hãy tạo niềm tin rằng bố mẹ có thể giúp trẻ giải quyết mọi sự sợ hãi hay đau đớn. Hãy bảo với mẹ nếu bất cứ ai có một đề nghị “bí mật” nào đó với mình. Có thể chơi với trẻ một trong số các trò chơi sau: Oẳn tù tì, sử dụng các câu đố, hay thực hiện một nhiệm vụ nào đó do người khác đưa ra, tìm đồ vật. Nhưng khi ai thua trong trò chơi đó thì người thắng có quyền hỏi một câu mà người thua phải trả lời đúng sự thật, không được nói dối, đây cũng chính là trò chơi cha mẹ có thể tạo điều kiện để gần gũi con cái, giao lưu trao đổi những vấn đề tế nhị hoặc chuyện tình cảm của con cái, bởi vì có một số em là nạn nhân của chính người yêu của mình, bị LDTD từ chính người mà trẻ tin tưởng là bạn thân, là người chia sẻ buồn vui…
Dạy trẻ biết tìm người giúp đỡ. Trẻ cần được chỉ dẫn cách tìm người giúp đỡ, nếu trẻ bị sờ mó thô lỗ. Bạn cần nói với trẻ rằng mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ trẻ khi trẻ bị đe dọa. Trẻ có thể báo tin những người gần nhất là giáo viên, ông bà, cha mẹ anh chị, công an, hội phụ nữ…
Bên cạnh việc dạy con biết cách tự bảo vệ mình, cha mẹ cũng phải luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai. Nhưng phải khéo léo và cẩn trọng đừng để trẻ có cảm giác cha mẹ đang quản lý mình quá gắt gao, mà hãy tạo cho trẻ thói quen và niềm tin là cần báo tin mình đang ở đâu để cha mẹ yên tâm.
Phụ huynh phải thật khéo léo, không nên làm cho trẻ sợ hãi hoặc tẩy chay người lớn, mà chỉ giúp trẻ tự bảo vệ mình. Cha mẹ nên nhấn mạnh rằng, chỉ có một số người xấu mới muốn làm hại trẻ, còn người lớn ai cũng yêu quý và chăm lo cho trẻ.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
LTS: Từ bài báo Làm gì khi trẻ bị lạm dụng tình dục? đăng trên Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 8-4, PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã gửi đến tòa soạn bài viết góp thêm ý kiến về vấn đề này. |
Bình luận (0)