Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Old Trafford: Hơn cả một giấc mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Old Trafford đích thực là Nhà hát của những giấc mơ như cách cả thế giới vẫn gọi. Vẻ đẹp rực rỡ của SVĐ này khiến tất cả phải trầm trồ. Từ ý tưởng sắp đặt hiện vật, trưng bày tranh ảnh và cách vận hành một hệ thống dịch vụ đồ sộ đều gây ấn tượng mạnh. Đến Old Trafford, người ta mới hiểu vì sao, sau những ngôi sao sáng chói của Quỷ Đỏ mọi thời kỳ, SVĐ này là địa điểm rất được ngưỡng mộ.

“Theatre of Dreams”

Những ngày không có thi đấu hoặc tập luyện sân Old Trafford đều được bố trí kín lịch tham quan. Ban quản lý (BQL) đón từng đoàn khách ra vào theo nhiều cửa, lệch nhau về thời gian và mỗi đoàn được chiêm ngưỡng sân nhà của Quỷ Đỏ tối đa 30 phút (trừ trường hợp đặc biệt), còn thông thường chỉ là 15-20 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tất cả phải tuân thủ quy trình tham quan của BQL sân: Đi vào từ tầng hầm – tập trung nghe hướng dẫn – lên 1 góc khán đài (không được xuống sát mặt cỏ) – và chụp ảnh. Chỉ có 1 kịch bản, đoàn nào cũng như đoàn nào, cá nhân cũng như tập thể, không có ngoại lệ.

Một góc sân Old Trafford

Hướng dẫn chúng tôi vào thăm sân Old Trafford là một người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc trắng. Theo phán đoán của nhiều người, ông có thể trạc tuổi Ngài Alex Ferguson (hoặc hơn) và có thời gian gắn bó với SVĐ này từ rất lâu. Ông tỏ ra nghiêm khắc và khá đanh thép trong các thông báo của mình, đặc biệt là khi nhắc nhở những người cố nán lại chụp ảnh khi đã hết giờ.

Con đường từ đường hầm tiến ra sân Old Trafford được thiết kế rất đặc biệt. Hành lang hẹp, cao khoảng xấp xỉ 3m, bề rộng chỉ chừng 1m, uốn lượn như một con rắn. Khách tham quan phải xếp hàng một mà không thể chen lấn. Con đường này khiến chúng tôi liên tưởng đến ngõ phố cổ ở Hà Nội – nơi chỉ có thể đi 1 chiều. Qua 6 lần gấp khúc, 4 cánh cửa, chúng tôi mới lên được khán đài. Một cảm giác lâng lâng ùa đến với tất cả.

Old Trafford rực một màu đỏ tươi. Dưới sân, thảm cỏ xanh ngát, phẳng lỳ như dành để đánh golf. Khán đài với sức chứa hơn 75.000 người đồ sộ nhưng ấm cúng. Đặc biệt, chỗ ngồi từ cao xuống thấp đều được thiết kế tiện lợi. Khán giả dù mua vé hạng nào, ngồi ở đâu cũng được tận hưởng không khí bóng đá đúng nghĩa, tuyệt đối không bị che mắt. Thêm một chi tiết nữa, Old Trafford ngày nào cũng rộn ràng người ra-kẻ vào nhưng được lau chùi, bảo quản rất sạch sẽ. Ghế ngồi đỏ bóng, không một vết xước.

Tập đoàn Old Trafford

Thực tế thì sân nhà của Manchester United cần phải được gọi là “Tập đoàn kinh tế Old Trafford”. Ở đây, người ta kinh doanh tất cả những gì liên quan đến thương hiệu đội bóng.

Trong số các “doanh nghiệp con” của tập đoàn Old Trafford, cửa hàng bán đồ thể thao, quà tặng lưu niệm lúc nào cũng đông khách. Khách bản xứ đến mua đã nhiều, khách vãng lai thì khỏi nói. Tâm lý ai cũng vậy, tất cả đều giống nhau. Họ đến Manchester với cái đích lớn nhất là “thăm nhà” MU và bước vào cửa hàng ở Old Trafford để mua những vật dụng liên quan đến các thần tượng sân cỏ và đội bóng này. Cứ bước vào cửa hàng ngó nghiêng một lúc là y như rằng, điểm đến cuối cùng là quầy thu ngân, dù giá cả các mặt hàng ở đây rất dễ khiến người ta “lạnh”.

Không chỉ các áo đấu của những siêu sao như Rooney, Ronaldo, Ferdinand, Ryan Giggs… đắt hàng, sân Old Trafford còn có rất nhiều loại hình dịch vụ khác. Dịch vụ ăn uống trước-trong và sau trận đấu, tổ chức tiệc nhẹ trong khu chờ cho CĐV, nhận các hợp đồng cho thuê huấn luyện viên ngắn hạn, ngắn ngày hoặc theo buổi cho các tập thể có nhu cầu. Như giải “6v6 International Budweiser 2009” chẳng hạn. Hãng bia khổng lồ này thuê bao trọn gói các dịch vụ của Manchester United, ký hợp đồng và nghiệm thu ngay tại đại bản doanh Old Trafford. Theo tìm hiểu, tuy chỉ là giải bóng đá phong trào dành cho các CĐV, nhưng nhà tài trợ Budweiser cũng phải bỏ ra không ít hơn “6 số 0” để hoàn thành mục tiêu quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường của mình.

Bên cạnh việc khai thác Old Trafford, MU còn thu được lợi nhuận đáng kể từ trung tâm đồ sộ Carrington. Với hệ thống hơn chục sân bóng tiêu chuẩn (cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo, sân trong nhà) và khu liên hợp thể thao hiện đại, Carrington cũng là một trong số những “con gà đẻ trứng vàng” của MU.

Rõ ràng, Quỷ đỏ thành Manchester và sân Old Trafford không đơn thuần là đội bóng và sân bóng. Nói không quá, MU không khác một nhà máy của ngành công nghiệp không khói, tồn tại và phát triển thậm chí vượt trội cả các nhà máy công nghiệp đích thực – vốn là đặc trưng của miền Tây Bắc nước Anh.

Old Trafford điểm du lịch

Tuy khắt khe và rất nhiều nội quy nhưng Old Trafford là điểm tham quan “đắt sô” nhất thành phố Manchester. Vào trước và trong ngày thi đấu của Quỷ đỏ, lượng người ra vào tấp nập còn lớn hơn trung tâm mua sắm-thương mại Trafford Center, tòa nhà cao 110m Justice Centre và tòa án nổi tiếng Crown Court. Và tất nhiên, người hàng xóm Manchester City cùng SVĐ City of Manchester hoành tráng chỉ biết nhìn mà… ghen tỵ.

Giá của hàng hiệu

Một chiếc áo đấu của MU được bán với giá 60 bảng (khoảng 1,6 triệu VNĐ), còn nếu muốn mua cả bộ thì trọn gói 80 bảng (2,2 triệu VNĐ). Áo dành cho trẻ em có rẻ hơn một chút, nhưng mức độ chiết khấu không đáng kể.

Cửa hàng lưu niệm MU ở sân Old Trafford

Các mặt hàng quà tặng mang nhãn hiệu MU như mũ, đồng hồ, khăn quàng, cốc, đồ lưu niệm, móc đeo chìa khóa rẻ nhất cũng xấp xỉ 2 bảng (tương đương 56 ngàn VNĐ), cao nhất 28 bảng (820 ngàn VNĐ). Cá biệt, những chiếc áo khoác giống như Sir Alex và các cầu thủ MU vẫn mặc khi trời lạnh có giá từ 90-120 bảng (2,5 – 3,2 triệu VNĐ/chiếc). Không tính mua nhiều hay mua ít, tất cả đều chỉ có 1 giá, 1 hóa đơn, không hề có khuyến mại.

Ngọc Bảo (theo baobongda)


Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)