Chế độ dinh dưỡng cho mắt vô cùng cần thiết, trong đó có một số loại thực phẩm nếu thiếu dễ gây bệnh về mắt như giảm thị lực, khô mắt, viêm giác mạc… Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung một số loại vitamin.
Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A và tiền chất của nó (beta-carotene) là loại vitamin quan trọng và cần thiết với cơ thể, đặc biệt là với đôi mắt, giúp tăng cường thị lực, giúp mắt sáng và khỏe.
Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở một người bình thường: người lớn 3.000 – 5.000 đơn vị mỗi ngày; trẻ em <10 tuổi 1.500 – 4.000 đơn vị mỗi ngày. Nguồn cung cấp vitamin A chủ yếu từ thực phẩm có nguồn gốc động vật như: gan, cá biển, bơ, cà rốt, sữa, trứng, gan gà, gan lợn, đu đủ chín, trứng vịt lộn, rau ngót, lươn, rau dền…
Thực phẩm giàu omega 3: Theo các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, omega 3 không những là một chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch mà còn là "vũ khí" giúp dân văn phòng chống khô mắt. Nhóm thực phẩm giàu omega 3 gồm có cá, mỡ cá, các loại hạt, tinh dầu thực vật như tinh dầu quả óc chó, tinh dầu oliu, tinh dầu hạt lanh…
Vì thế, những người có nguy cơ mắc chứng khô mắt, dễ gặp rắc rối với mắt hoặc mắc các tật về mắt nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu omega 3 từ 5 – 6 lần mỗi tuần.
Thực phẩm màu cam, đỏ: Các thực phẩm rau quả màu đỏ, cam có chứa nhiều beta – carotene – một loại chất chống ôxy hóa giúp cho mắt phòng tránh nguy cơ mắc một số bệnh về mắt. Tiền chất này sẽ được men trong thành ruột và gan chuyển hóa thành vitamin A.
Trong thành phần của những loại thực phẩm này cũng dồi dào vitamin C, có khả năng chống lại tình trạng mờ mắt, mỏi mắt. Vì vậy, nếu thường xuyên ăn các thực phẩm có màu đậm như: cam, gấc, đu đủ chín, bí đỏ, cà chua… sẽ tốt cho mắt, giảm nguy cơ lây bệnh.
Thực phẩm giàu vitamin B: Thiếu vitamin B1 trong một thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng xuất huyết võng mạc giảm thị lực. Thiếu vitamin B2, khả năng hấp thu ánh sáng của mắt sẽ giảm và hay xuất hiện hiện tượng ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc…
Để bổ sung vitamin B1, B2 có thể bổ sung các loại thực phẩm như: thịt nạc, gà, bò, các loại đậu, rau màu đậm như: Rau cần, rau muống, rau cải,… các loại, thịt, trứng, sữa, tim, thận, gan, lách… đều có vitamin B2 (tỷ lệ mất vitamin B2 khi chế biến thức ăn khoảng 15 – 20%). Hàm lượng vitamin B2 trong động vật cao hơn thực vật.
Ngoài ra, cần uống đủ nước lọc (khoảng 6 – 8 cốc nước) – nước giống như một chất xúc tác, tham gia vào mọi phản ứng của cơ thể, nó giúp ngăn ngừa và phòng chống tình trạng cơ thể, mắt bị khử nước, dẫn đến nguy cơ bị khô mắt. Cũng có thể uống thêm các loại nước quả và sữa cũng có tác dụng khỏe cho đôi mắt vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Theo BS. Nguyễn Hữu
Sức khỏe & đời sống
Sức khỏe & đời sống
Bình luận (0)