Mùa đông, thời tiết giá lạnh, cần giữ ấm cơ thể và dùng thực phẩm có năng lượng cao.
Mùa đông, cần những thực phẩm có tính ấm như hành, ớt, gừng… – Ảnh: Thái Nguyên |
Sinh khí của mùa đông ẩn đàng, dương khí trong tự nhiên dần dần thu ẩn vào trong, dương khí trong cơ thể con người cũng tuân theo quy luật tự nhiên mà tần ẩn bên trong. Dưỡng sinh trong mùa đông phải phù hợp với quy luật trong tự nhiên, lấy liễu âm, hộ dương làm căn bản. Mùa đông là mùa cuối cùng trong một năm, đó là tiết khí mà dương khí tiềm tàng, âm khí cực thịnh, xu hướng hoạt động của vạn vật là ngừng nghỉ hoặc trong trạng thái nghỉ đông, chuẩn bị cho sinh khí bột phát, ngập tràn vào mùa xuân (xuân sinh – hạ trưởng – thu tàng – đông liễu). Thời gian 3 tháng mùa đông, hàn khí (khí lạnh) là chủ khí. Hàn tà và phong tà thường dễ kết hợp gây bệnh cho người, nhất là cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, phế khí thũng, đau xương khớp… Thận và đông tiết có quan hệ với nhau, thận chủ thủng, tàng tinh, nếu thận khí bất túc (không đầy đủ) hoặc dương khí bất túc thì có thể sợ lạnh, dễ bị nhiễm lạnh và xuất hiện đau mỏi eo lưng, phù thũng, đại tiện ít, tiểu tiện nhiều, liệt dương (nam), kinh nguyệt không đều (nữ) hoặc hen suyễn tăng nặng, ngủ không yên giấc…
Trong mùa đông cần bảo đảm giấc ngủ được đầy đủ, nên ngủ sớm, dậy muộn. Ngoài ra, nên vận động hợp lý để giúp cho tinh thần được thoải mái, thân thể được khỏe mạnh, tăng cường sức chịu đựng. Giữ cho tinh thần, tinh chú được an định, gạt bỏ phiền nhiễu, vận động khiến cho dương khí được tiềm tàng, ẩn náu bên trong. Cần chú ý giữ ấm cho cơ thể không để cơ thể bị nhiễm lạnh. Sáng sớm khi trở dậy nên xoa lòng bàn tay, trán khoảng 5 – 10 phút.
Về ăn uống, hàn tà làm cho gân mạch tê cóng, khí trệ, huyết ứ mà gây đau, đồng thời tổn thương dương khí. Bởi vậy không nên dùng nhiều thức ăn sống và lạnh để tránh tổn thương dương khí của tỳ vị. Cần dùng những món ăn tiềm dương có nhiều năng lượng, có tính ấm. Một số món dùng thích hợp như dưới đây:
– Cháo hành: hành củ 30 gr, gạo tẻ 50 gr, gia vị đủ dùng. Gạo vo sạch, cho vào nồi hầm kỹ thành cháo. Hành rửa sạch, thái nhỏ. Đổ cháo chín ra bát, cho hành và gia vị vào khuấy đều, ăn nóng vào buổi sáng hoặc buổi tối. Có tác dụng giải biểu, chữa ngoại cảm phong hàn.
– Cháo gừng: gừng tươi 20 gr rửa sạch, thái nhỏ, gạo tẻ 50 gr, đường đỏ 20 gr. Gạo vo sạch cho vào nồi hầm kỹ thành cháo. Khi cháo chín cho gừng đã thái nhỏ vào khuấy đều, cho đường đỏ vào, nấu thêm 5 phút bắc ra ăn nóng vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Lương y Vũ Quốc Trung
(TNO)
Bình luận (0)