Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng tránh các bệnh mùa lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chứng bệnh mùa lạnh tái đi tái lại khiến bệnh nhân rất mệt mỏi. Đối tượng dễ mắc là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu. Nếu biết cách xử trí kịp thời sẽ giảm được tác hại của bệnh mùa lạnh.

Chứng cảm lạnh

Theo BS Duy Anh, nếu bất chợt ngứa trong cổ họng, đầu váng vất, đau mình mẩy… là dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh – một chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, với triệu chứng: Ngạt mũi, chảy nước mũi, họng ngứa và đau, ho, đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt nhẹ, mệt mỏi nhẹ.
Giải pháp: Nếu có dấu hiệu cảm lạnh, cần uống nhiều nước để thải độc tố khỏi cơ thể. Dùng nước muối sinh lý để giảm ngạt mũi. Nếu triệu chứng cảm lạnh không giảm, còn kèm theo sốt cao, khó hở, ho dai dẳng… đờm có màu, cần đi khám ở cơ sở y tế sớm để điều trị dứt điểm, giảm tái phát. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bạn cần đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh. Phòng cảm lạnh bằng cách luôn giữ ấm, tránh tiếp xúc với thời tiết lạnh bên ngoài.
Đau đầu do lạnh
Khi trời lạnh hay bị đau đầu bất ngờ và lứa tuổi nào cũng dễ mắc phải, nhất là khi thời tiết có mưa lạnh, giá buốt.
Giải pháp: Trời lạnh đi ngoài đường về rất hay bị đau nửa đầu. Hãy ngâm tay vào nước nóng già ngập qua bàn tay, có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bưởi, hồi, quế.
Ra đường cần lưu ý mặc ấm, đội mũ hoặc quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ để tránh bị đau đầu.
Có thể trị đau đầu bằng cách nhúng khăn bông vào dấm trắng rồi vắt nhẹ, đắp lên trán, nhắm mắt thư giãn 15 phút. Nếu bị đau đầu dai dẳng thì cứ 2 giờ làm 1 lần sẽ dễ chịu. Hoặc dùng gừng củ cắt lát, đun sôi trong 10 phút rồi lọc uống. Thoa dầu gió, dùng thìa bạc đánh gió vùng trán, lông mày, thái dương và xoa bóp vùng da đầu, gáy sẽ nhanh hết đau đầu (không làm quá 3 lần/ngày).
Nếu đau đầu dai dẳng, kèm buồn nôn thì nên đi khám ngay.
Bệnh về da
Hay gặp là da bị bong tróc, nứt nẻ, dị ứng (nổi mề đay, cước lạnh)…
Dấu hiệu: Da khô, thiếu nước dẫn đến nứt nẻ, chảy máu và đau đớn, có thể bị nhiễm trùng, sưng tấy. Việc dùng các chất tẩy rửa, hóa chất làm mất lớp bảo vệ trên da, khiến da mắc các bệnh điển hình mùa lạnh.
Giải pháp: Theo BS Nguyễn Thành (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), mùa lạnh phải bổ sung độ ẩm cho da đầy đủ. Khi da có vấn đề phải đến khám ngay ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu (nhất là khi khám vào thời điểm có các tổn thương trên da xuất hiện).
Bổ sung nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất có tác dụng làm mềm da, duy trì độ ẩm, sự mềm mại, đàn hồi cho da…
Kem giữ ẩm da nên thay đổi, không dùng lâu một loại và nhớ chọn loại hợp với da nhưng có thành phần bổ sung chất ẩm tự nhiên, kích thích sản sinh collagen – nhằm giữ nước cho da.
Để phòng bệnh, cần luôn giữ ẩm cho da ở cả người bệnh và người không bị bệnh. Khi vùng da có tổn thương, tránh tiếp xúc với chất tẩy rửa, dầu gội… Nên dùng găng tay, đi bốt để giảm bớt các tổn thương da.
Chứng cước lạnh
Chứng cước lạnh hay gặp khi nhiệt độ xuống thấp ở vùng da hở ở tay, chân bị phù nề, sưng tấy… Ai cũng có thể phát cước khi tiếp xúc với lạnh giá lâu hoặc mặc đồ ướt, không đủ ấm…
Giải pháp: Theo BS Nguyễn Thành, cách giảm cước đơn giản là kẹp tay vào vùng nách, làm ấm mũi, tai, mặt bằng cách xoa tay lên. Hoặc ngâm vùng bị cước vào nước ấm.
Không nên chà xát, massage vùng da cước đang phồng bằng lửa, lò sưởi hoặc làm tan vùng cước vì có thể gây tổn thương sâu. Nếu người bị cước bị giảm thân nhiệt cần đưa đi viện ngay.
Phòng cước: Mặc đủ ấm (áo trong cùng nên là vải thấm mồ hôi). Luôn giữ ấm cho mặt, nhất là mũi, tai – nơi gặp lạnh thường bị co thắt mạch, lan nhanh ra chân tay. Năng hoạt động để ấm cơ thể. Ngồi lâu thấy tê ngón chân, tay nên cử động liên tục. Ngày lạnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh. Không hút thuốc vì gây co thắt các mạch máu và tăng nguy cơ bị cước.
Lạnh chân tay
Rất nhiều người bị lạnh chân tay, hay gặp ở phụ nữ, người cao tuổi, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng, sức đề kháng yếu… Hoặc người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp…
Giải pháp: Nếu lạnh chân tay do mùa đông (không kèm rụng tóc nhiều, mất trí nhớ, tê buốt như bị kim châm, đầu ngón tay chân chuyển màu trắng…), thì có thể xử trí bằng cách: Ngâm chân tay 10 – 15 phút với nước nóng cùng gừng, muối giúp khí huyết lưu thông (có thể thay bằng tinh dầu bạc hà, hoa cúc, nhục quế, oải hương). Lau khô rồi mang tất ấm đi ngủ sẽ rất dễ chịu.
Phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất và chăm vận động. Giữ ấm chân tay bằng cách đi găng, tất đầy đủ. Đeo khẩu trang, quàng khăn… khi ra đường. Hạn chế để chân tay tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước lạnh.
Theo Trà Giang
Giadinh.net.vn

 

Bình luận (0)