“Kinh nghiệm 10 năm chống dịch cho thấy dịp cuối năm, bà con thường mùng 1 liên hoan tiết canh thì ủ bệnh, mùng 5 vào viện rồi chết mùng 10. Năm nào phải đợi qua ngày 15 tháng Giêng không thấy báo cáo gì mới yên tâm là không sao”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2013, kế hoạch 2014 diễn ra vào sáng 2/1 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.
Tiết canh là món "khoái khẩu" của nhiều người dân nhưng lại là "ổ vi khuẩn gây bệnh". |
Lo ngại an toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế, năm 2013 có 20 sự cố thực phẩm lớn, có những vụ lớn như rượu nếp 29 Hà Nội đã được Bộ Y tế phối hợp các Bộ, ngành xử lý nhanh chóng.
Theo tính toán, trung bình mỗi năm một người Việt Nam uống hơn 5 lít rượu và hơn 20 lít bia. Năm 2013 có 5 vụ ngộ độc do rượu, số mắc 36, số tử vong là 14. Từ năm 2007 đến nay đã 83 người tử vong do rượu (chủ yếu do methanol cao, rượu ngâm rễ cây, …).
Là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng nên tập trung vào lĩnh vực ATTP nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì đây là lĩnh vực rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn xã hội.
“Bệnh nhân bây giờ nhiều lắm. Có nhiều nguyên nhân nhưng người ta quan ngại nhiều về lý do ATTP, nhất là bệnh ung thư. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật như thế thì cũng đến lắc đầu, nhiều thế thì không thể kiểm soát được. Tất cả chúng ta đang sống trên đống thuốc đó. Cứ để tình trạng thực phẩm thế này thì rất đáng quan ngại” – bà Minh nói.
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ai cũng nói đã nhận thức sâu sắc, nhưng thước đo cho sự sâu sắc đó chính là hành động.
VSATTP liên quan rất rộng lớn, từ sản xuất, lưu thông đến thói quen, sức khỏe, giống nòi, … Những vướng mắc hiện nay không phải do cái gì cao siêu mà từ chính chúng ta chưa quyết liệt. Vì thế cần làm cụ thể, chương trình kế hoạch và Ban chỉ đạo cũng có đầy đủ rồi.
Báo động bệnh dại
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đang đứng hàng đầu trong số trường hợp tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong những năm gần đây.
Năm 2013, có 99 người tử vong vì bệnh này (năm 2012 là 98 người), trong đó có cả Hà Nội. Có đến 98,9% số trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin dại sau khi bị chó cắn.
Trong 3 năm qua (2009-2012), có tới 354 người tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn.
Việc ngăn chặn bệnh dại hiện gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ tiêm phòng đối với chó nuôi còn thấp. Cả nước chỉ tiêm phòng được khoảng 2,7 triệu/8,3 triệu con chó, nhiều vùng có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại chỉ đạt 15-20%.
Bộ NN&PTNT cho biết, số lượng chó nghi mắc bệnh dại và số người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn là rất lớn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các địa phương không nắm được số liệu chính xác về chó mắc bệnh dại do chó bỏ nhà đi.
Tiêm vắc xin là cách hữu hiệu để phòng bệnh song theo báo cáo của địa phương, người dân (đặc biệt ở vùng khó khăn) không có khả năng tiêm do vắc xin này không được miễn phí. Tại Yên Bái, năm 2013 có trên 6.000 người phơi nhiễm do bệnh dại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn phòng ngừa bệnh dại hữu hiệu cần tiêm cho chó trước, giá tiêm (8,5 ngàn đồng/liều) rẻ hơn nhiều so với việc tiêm vắc xin cho người. Vì vậy, cần vận động người dân tiêm phòng dại cho chó để chủ động phòng bệnh.
Gia cầm nhiễm bệnh vẫn nan giải
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2013, số gia cầm nhiễm bệnh bị tiêu hủy tuy giảm một nửa so với 2012 song kết quả giám sát cho thấy virus cúm gia cầm vẫn đang lưu hành mạnh.
Virus cúm gia cầm có thêm type mới lưu hành từ Bắc vào Nam. Năm 2013, Campuchia đã lưu hành chủng virus H5N1 độc lực cao với 14 người chết/26 người nhiễm bệnh bị phát hiện. Tỉnh Tây Ninh có 2 người bị lây và 1 người chết.
Bộ Y tế cho biết, năm 2013, cả nước có 78.141 trường hợp mắc tay chân miệng với 21 trường hợp tử vong. Ngoài ra, cả nước ghi nhận gần 70.000 người mắc sốt xuất huyết, 40 người tử vong. Bệnh sốt rét cũng đáng chú ý vì xuất hiện sốt rét ngoại lai và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Nguồn lực y tế bị phân tán
Tại cuộc họp trực tuyến, nhiều địa phương "kêu" các nguồn lực y tế vốn đã ít song lại đang bị phân tán. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho khối dự phòng tuyến tỉnh có nhiều tổ chức (Trung tâm y tế dự phòng, trung tâm chống sốt rét, trung tâm da liễu, …), nhiều trung tâm như vậy khiến nguồn lực phân tán, chỉ huy không được thống nhất. Tuyến huyện cũng bị “băm nát” bởi nhiều đơn vị khác. Địa phương này đề xuất Chính phủ nên lập một trung tâm chung để phòng chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tổ chức của hệ thống y tế dự phòng liên quan chung đến sức khỏe nhân dân, cái nào địa phương đề xuất mà chín muồi rồi và cần thay đổi thì Bộ Y tế cần trình gấp lên Chính phủ. Ngoài ra, cần tuyên truyền về những thói quen ăn uống, sinh hoạt để người dân cùng tham gia phòng chống dịch bệnh.
|
Theo C.Quyên
VietNamNet
VietNamNet
Bình luận (0)