Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Không thể vì sự cố chấm thi mà phủ nhận toàn bộ kết quả kỳ thi

Tạp Chí Giáo Dục

 

Hôm qua 1-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề mà dư luận thời gian qua hết sức quan tâm: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 và sự cố chấm thi ở 11 tỉnh ĐBSCL.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, về vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL lưu hành trong các Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT 2011 một đáp án khác với đáp án của Bộ GD-ĐT, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
* Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Về vấn đề này, bộ đã tổ chức 2 cuộc họp, một cuộc ở cơ quan Bộ GD-ĐT và cuộc khác ở các tỉnh ĐBSCL với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh và sở GD-ĐT trong vùng. Có thể thông báo tóm tắt như sau: Thứ nhất, Ban chỉ đạo thi của bộ có văn bản đồng ý cho các tỉnh vùng ĐBSCL họp bàn để quán triệt tinh thần chấm thi theo đáp án của bộ đã công bố. Sở dĩ như vậy là vì trong khu vực này có ý kiến về tình trạng chấm chặt, chấm lỏng các môn tự luận từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái; thứ hai, Bộ GD-ĐT cũng như ban chỉ đạo thi không chỉ đạo và cũng không có ý “bật đèn xanh” cho các tỉnh chấm với đáp án khác với đáp án của bộ.
Qua việc này chúng tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm:
Thứ nhất, phải hoàn thiện quy chế làm việc của ban chỉ đạo thi, trong đó quy định cụ thể hơn mối quan hệ giữa ban chỉ đạo thi với lãnh đạo bộ, để những việc tương tự như việc cho phép tổ chức hội nghị của 11 sở nói trên sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng và toàn diện trước khi đưa ra quyết định.
Thứ hai, việc chỉ đạo các hoạt động của bộ phải được cụ thể, chi tiết và thường xuyên. Ví dụ nếu có cán bộ của ban chỉ đạo vào tham dự các cuộc họp, trong trường hợp không vào dự được có thể cử cơ quan đại diện của bộ tới dự thay thì tình hình đã khác (các tỉnh họp có mời ban chỉ đạo dự nhưng ban chỉ đạo không vào dự được, cũng không báo lại cho cơ quan đại diện của bộ ở phía Nam để tham dự). Trong cuộc họp này có thanh tra ủy quyền của bộ dự nhưng cũng không có báo cáo về ban chỉ đạo; địa phương họp xong cũng không báo cáo với ban chỉ đạo và ban chỉ đạo cũng không hỏi lại, vì thế đã để xảy ra sự cố.
* Thực tế là có khá nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia?
* Tất cả các ý kiến liên quan đến việc thi cử, tuyển sinh của các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu nghiêm túc, cẩn thận và thực sự cầu thị để nghiên cứu đổi mới công tác thi cử, tuyển sinh. Từ nay đến năm 2015 sẽ điều chỉnh những bất hợp lý. Đồng thời tích cực nghiên cứu để sau năm 2015 chúng ta đổi mới căn bản, toàn diện công tác tuyển sinh trong tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
* Sau sự việc này, bộ rút ra kinh nghiệm gì thưa Bộ trưởng?
* Cần phải rút kinh nghiệm về lề lối làm việc, bổ sung quy chế làm việc của ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT và mối quan hệ của ban chỉ đạo thi với lãnh đạo bộ như tôi đã phân tích ở trên. Trước mắt, ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, chúng tôi quyết định tăng cường thanh tra của các trường và địa phương nhưng không dùng khái niệm thanh tra ủy quyền nữa, vì thực tế đây cũng là các cán bộ của cơ sở nên để cơ sở chỉ đạo.
Tại cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD-ĐT trong vùng, chúng tôi đã thảo luận và đi đến thống nhất nhận định về thiếu sót nói trên và kế hoạch triển khai xử lý vấn đề.
* Nhiều ý kiến vẫn cho rằng cách xử lý của bộ như vậy là không triệt để, dễ dẫn tới hòa cả làng?
* Việc xử lý kỷ luật phải theo đúng quy trình và quy định hiện hành. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa lại là một kênh thông tin tham khảo quan trọng nhưng không thể là căn cứ duy nhất để kết luận và xử lý vấn đề. Cần phải làm theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
* Ngoài sự cố chấm thi ở ĐBSCL, dư luận còn nghi ngại về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay thưa Bộ trưởng, vì sự thật là kết quả đó quá cao?
* Kết quả tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên thì đúng là có tăng đột biến. Đây là biểu hiện không bình thường. Còn với sự cố ở ĐBSCL, đó là một thiếu sót. Bộ sẽ xem xét, kiểm tra và rút kinh nghiệm. Nhưng xét trên tổng thể, hai yếu tố này cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung của kỳ thi tốt nghiệp năm nay vì số thí sinh của ĐBSCL chỉ chiếm 10,8% tổng số thí sinh cả nước và không phải tất cả các hội đồng, các tỉnh trong vùng đều sử dụng thang điểm chấm riêng này; số thí sinh tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên chiếm 13,38% tổng thí sinh cả nước và chỉ một số ít trong các hội đồng đó có kết quả cao không bình thường.
Kết quả thi tốt nghiệp năm nay (tỷ lệ đậu tốt nghiệp toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010) là bình thường. Nó bắt nguồn từ sự đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương và sự nỗ lực của giáo viên, học sinh cả nước.
Tôi cũng xin nhấn mạnh, vụ việc ở ĐBSCL phải rút ra bài học sâu sắc nhưng không làm ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp chung của cả nước. Nên không thể vì thế mà phủ nhận toàn bộ kết quả kỳ thi. 
Theo Phan Thảo
(Sggp)

 

Bình luận (0)