Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bỏ điểm sàn ĐH,CĐ là tất yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Phổ cập ĐH là xu thế chung của đất nước. Vì ai cũng phải đạt trình độ này, thậm chí phải học tập suốt đời. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại bắt các trường ĐH tuyển sinh theo điểm sàn?

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập đã gửi văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT hạ điểm sàn nên thời gian tuyển sinh phải kéo dài đến gần hết tháng 11-2010. Năm nay, tình trạng này lặp lại khi các trường ĐH ngoài công lập tiếp tục vướng trong tuyển sinh đầu vào.

Các thí sinh thi ĐH 2011 nghe phổ biến quy chế thi. Ảnh: giaoduc.net
Theo điều 38, Luật giáo dục năm 2005, những người tốt nghiệp THPT được học ĐH, không có quy định phải qua một kỳ thi tuyển ĐH quốc gia.
Thực tiễn ở miền Bắc nước ta trước đây cũng như ở miền Nam trước ngày thống nhất đã từng không thi tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, những năm qua, Bộ GD-ĐT phải tổ chức thi tuyển ĐH vì điều kiện mở trường chưa đáp ứng yêu cầu học tập của đông đảo người học. Khả năng tuyển sinh của các trường chỉ mới đáp ứng được khoảng 15-20% số học sinh tốt nghiệp THPT.
Cũng như trước năm 1990, nước ta chỉ tuyển 30% học sinh tốt nghiệp cấp 2 thì địa phương nào cũng phải thi tuyển vào cấp 3. Nay, hầu hết các tỉnh thành đã thỏa mãn yêu cầu học cấp 3 nên nhiều nơi chỉ xét, chứ không thi tuyển. Nếu có thi tuyển thì những học sinh đạt điểm cao sẽ vào trường công, những học sinh đạt điểm thấp hơn vào trường ngoài công lập. Có nhiều em không thi tuyển vào THPT vẫn có quyền vào học các trường tư trong nước hay các trường quốc tế, trường liên kết có yếu tố nước ngoài. Bộ không quy định điểm sàn tốt nghiệp cho cả nước.
Phổ cập ĐH là xu thế chung của đất nước. Vì ai cũng phải đạt trình độ này, thậm chí ai cũng phải học tập suốt đời. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội – một trong bốn trường ĐH công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT, nằm trong lộ trình lên ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam – cho biết tuyển sinh năm 2011 sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh đặc biệt dựa trên quá trình học tập của thí sinh và nguyện vọng học tập không tuyển qua kết quả thi đại học. Vậy tại sao Bộ lại bắt các trường đại học phải tuyển sinh theo điểm sàn?
Việc thi tuyển vào ĐH đã và đang gây sức ép đối với nhiều gia đình và học sinh nên vô tình đã đẩy một bộ phận không nhỏ người dân phải vay mượn cho con đi học nước ngoài, không phải qua kỳ thi tuyển trong nước. Vì thế, số sinh viên Việt Nam học tại Mỹ tăng rất nhanh, trở thành 1 trong 10 nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ. Ở Hàn Quốc, số lượng du học sinh Việt Nam cũng xếp thứ 4. Có thể nói chính chủ trương thi cử nặng nề đã tạo điều kiện cho nước ngoài vào kinh doanh giáo dục trong nước với chiêu bài du học tại chỗ, chất lượng cao, có việc làm ngay… hoặc liên kết liên thông với các trường trong nước đào tạo cấp bằng nước ngoài làm. Điều này khiến cho hệ thống trường ngoài công lập còn đang khó khăn hiện nay phải thua ngay trên sân nhà.
Mặt khác, với chủ trương liên thông liên kết đào tạo của ta hiện nay, nhiều học sinh học lực yếu sẽ tìm đường vòng học lên ĐH không phải qua thi tuyển và vượt “vũ môn” điểm sàn của Bộ bằng cách học liên thông qua các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
Nếu siết chặt đầu vào nhưng trong quá trình học, sinh viên không tự trau dồi bản thân thì chất lượng và phẩm chất đạo đức tất yếu giảm sút. Thực tế, Bộ GD-ĐT đã chủ trương tuyển thẳng học sinh giỏi vào ĐH nhưng chỉ một năm sau, nhiều học sinh trong số này phải lưu ban nên đành bỏ chủ trương này.
Từ căn cứ vào pháp lý và thực tế trên, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định điểm sàn đối với các trường ĐH ngoài công lập. Khi đầu vào đại học mở rộng, cần phải có những giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong quá trình đào tạo và đặc biệt, kiểm tra chặt chẽ đầu ra, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội.
 

Nhà giáo Trần Hữu Trù

TheoNLĐO

 

Bình luận (0)