Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Coi chừng ngộ độc hóa chất

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do uống phải xăng, dầu hỏa. Các ca ngộ độc xảy ra do gia đình bất cẩn khi cất giữ các hóa chất này, gây nhầm lẫn trong sử dụng.

Vỏ chai nước ngọt – ruột xăng, dầu

Một bệnh nhân nhỏ tuổi nhập viện do uống nhầm dầu hỏa, đang được theo dõi viêm phổi tại Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Thúy Anh 
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam bị ngộ độc trong tình trạng đau đầu, buồn nôn. Người nhà cho biết, gia đình có chai dầu hỏa đựng trong vỏ chai nước ngọt. Sau một buổi liên hoan về, do quá chén nên khi thấy chai nước ngọt bệnh nhân đã đem ra uống để… giải rượu. Tuy nhiên, bên trong vỏ chai nước ngọt lại là dầu hỏa. “Nước giải khát” dầu hỏa đã khiến bệnh nhân bị ho sặc, sau đó nôn, đau đầu và được gia đình đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc “2 trong 1” cùng lúc do rượu và dầu hỏa.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, trường hợp ngộ độc xăng dầu nhập viện với nguyên nhân uống nhầm như bệnh nhân kể trên là phổ biến. Tuy nhiên, không ít trường hợp ngộ độc do thói quen kề miệng vào ống hút xăng, dầu từ trong các bình xăng, can xăng. Do hít mạnh nên xăng, dầu xộc sâu trong miệng và nuốt phải. Thậm chí nhiều trường hợp hút như vậy đã bị xăng, dầu hỏa xộc vào phổi gây viêm phổi, khó thở.
Các bác sĩ lưu ý, có trường hợp ngộ độc dầu luyn với tình huống tương tự. Chất này còn nguy hiểm hơn nữa vì đặc sánh, khi vào phổi sẽ đọng lại gây viêm phổi, khó thở và khó khăn cho điều trị vì dầu luyn bám, dính chắc.
Cẩn trọng với hóa chất
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, có thời điểm trong vòng 3 tuần liên tiếp nhận vào 3 bệnh nhân khoảng 3 – 4 tuổi nhập viện do ngộ độc xăng, dầu hỏa. Nguyên nhân cũng do người lớn chứa xăng dầu trong vỏ chai nước ngọt, để trẻ con phải bốc nhầm.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, cho biết các bé nói trên uống phải xăng, dầu hỏa; nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho. Với mức độ nhẹ, uống ít có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.
“Ngộ độc hóa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe. A xít uống phải có thể gây bỏng, tổn thương, loét niêm mạc miệng, thủng thực quản để lại các di chứng rất nặng nề”, bác sĩ Dũng đặc biệt lưu ý.
Theo TNO

 

Bình luận (0)