Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì sao trường nghề vắng học sinh: Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu trầm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cần đầu tư trang thiết bị cho các trường nghề hơn. Ảnh: N.ĐẠT“Hiện nay việc đầu tư cho các cơ sở dạy nghề thiếu đồng bộ, từ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cho đến định mức kinh phí thường xuyên cho việc đào tạo. Cơ chế đầu tư, cấp phát kinh phí hoạt động chưa thể hiện đúng vị trí và tầm quan trọng trong các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, việc bất cập về chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia đào tạo” – đó là đánh giá của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM

Thiết bị máy móc thời… cổ lỗ

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM chỉ ít trường, trung tâm dạy nghề được trang bị máy móc kỹ thuật đồng bộ với máy móc tại các công ty, xí nghiệp đang sử dụng. Thầy Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM băn khoăn: “Việc dạy nghề những năm gần đây được UBND TP.HCM rất quan tâm. Tuy vậy máy móc trang thiết bị các trường đang nằm trong tình trạng thiếu và yếu. Cụ thể như máy tiện, trong khi các công ty, xí nghiệp sử dụng những loại máy tiện đời mới, trị giá hàng chục tỷ đồng/ chiếc, hoàn toàn tự động, thao tác bằng cách lập trình sản phẩm trên máy vi tính rồi “bấm nút”, máy sẽ tự động làm ra sản phẩm. Trong khi đó, nhiều trường hiện nay vẫn còn sử dụng các loại máy cũ kỹ bằng cách quay tay”. Kể cả các mô hình sử dụng máy móc công nghệ mới như cầu thang điện cũng không có để phục vụ cho việc dạy học. Trên địa bàn TP.HCM hiện nay chỉ có vài trường được đầu tư, trang bị những loại máy thực hành khá tốt như Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM, Trường Cao đẳng Hùng Vương và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM…; các trường, trung tâm còn lại thì máy móc trang thiết bị chưa đồng bộ, hoặc chỉ đáp ứng được 1-2 ngành nghề đào tạo, còn lại chưa đáp ứng được việc dạy và học hiện nay. Em Trần Quốc Anh hiện đang học nghề sửa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh phân trần: “Chúng em học nghề sửa xe máy, nhưng giờ đây máy móc thực hành không có, xưởng chỉ được một vài bộ máy từ mấy chục năm về trước, trong khi đó nhiều loại xe hiện đại sử dụng tay ga thì chúng em không được học. Mang tiếng là sắp thành thợ sửa xe máy nhưng vẫn còn xa lạ với những xe tay ga mà xã hội đang sử dụng hiện nay”.

Khi thực hiện bài viết này chúng tôi “mục sở thị” một số xưởng thực hành nghề của các trường, trung tâm thì chỉ có vài loại máy móc cũ kỹ đang nằm trùm mền, không sử dụng được. Hiện nay phần lớn máy móc trang thiết bị thiếu  chủ yếu là ở các trung tâm quận huyện. Tại Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè cơ sở vật chất thì đã được xây tương đối nhưng máy móc bên trong nhà xưởng thì thiếu trầm trọng. Song song đó các trung tâm dạy nghề như Hóc Môn, Bình Chánh… thì cũng cùng chung số phận. Lý giải vấn đề này ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Hiện nay để thành lập được một trường nghề rất tốn kém gấp khoảng 10 lần thành lập một trường phổ thông. Có những máy móc lên đến hàng chục tỷ đồng như các loại máy móc tự động hay bán tự động. Vì vậy tuy được học nghề, nhưng khi ra làm tại các nhà máy thì các học viên thậm chí chưa biết sử dụng máy”.

Rất ít trường học sinh được thực hành trên máy hiện đại như thế này (các học sinh Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM đang thực hành trên máy CNC)Chưa có giải pháp căn cơ

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: “Hiện nay thành phố có nhiều chính sách khuyến khích học nghề. Các em học nghề được thành phố đặc biệt quan tâm như bộ đội xuất ngũ, con thương binh, liệt sĩ… Thế nhưng, số lượng học viên theo học chưa được như mong muốn. Học sinh chỉ chấp nhận học nghề khi không còn “cửa” vào đại học”. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, mỗi năm các cơ sở này cho ra trường khoảng 10.000 sinh viên trình độ cao đẳng, 29.000 trình độ trung cấp và 300.000 sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Nhưng vì thời lượng thực hành ít, máy móc không có cho học sinh thực hành, vì vậy chất lượng đào tạo nghề những năm qua chưa được cải thiện là bao. Không ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng khi trung tâm hoặc các trường giới thiệu thì hầu hết các học viên lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hiện nay, các cơ sở dạy nghề có mở nhiều mã nghề, thế nhưng những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng thấp như nghề điện – điện tử và nghề cơ khí, hàn, tiện nhu cầu cao lại vẫn không thu hút được học sinh. Vì vậy nguồn lao động hiện nay thực sự có tay nghề vẫn còn rất hạn chế. Những ngành nghề cần tay nghề bậc cao, có thể sử dụng máy móc, hay lập trình sản phẩm trên máy thì các học viên chưa biết cách thao tác, chẳng hạn như làm sản phẩm tiện trên máy CNC. Ngoài ra học nghề còn cần phải biết về công nghệ thông tin để vẽ sản phẩm trên máy vi tính và nhiều kỹ năng khác.

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM từ nay đến năm 2010 các cơ sở dạy nghề phải thu hút được gần 500.000 học viên, các cơ sở dạy nghề phải nâng lên 400 cơ sở. Đồng thời phải nâng cấp một số cơ sở dạy nghề gồm các trường hệ THCN và dạy nghề thành nơi đào tạo nhân lực chủ chốt cho thành phố. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của TP và cả nước. Tuy vậy trang thiết bị còn yếu kém thì tình trạng các em chỉ được học chay sẽ còn kéo dài.

Văn Mạnh

Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì cơ sở vật chất phải 4 – 6m2/học sinh, 1 giáo viên/25 học sinh, nếu chiếu theo con số này thì phần lớn các cơ sở dạy nghề đáp ứng được. Thế nhưng hiện nay các trung tâm dạy nghề ngoại thành lẫn nội thành về máy móc và trang thiết bị đều thiếu trầm trọng.

Bình luận (0)