Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Có nên sử dụng máy hút đờm cho trẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có một số phụ huynh quá lo lắng khi con mình bị ứ đọng đờm nhớt quá nhiều nên đề nghị nhân viên y tế dùng máy hút để xử lý nhanh chóng cho trẻ khoẻ lại.

Ở một khía cạnh ưu điểm của máy hút đờm là tạo ra một lực hút nhất định theo thiết kế đã định sẵn để hút đờm trực tiếp trong phế quản giúp thông thoáng đường thở, đặc biệt có vai trò nhất định khi đờm nhớt ứ đọng gây nguy cơ tử vong.

Hà Thị Kim Yến – Cử nhân Vật lý Trị liệu, Khoa VLTL&PHCN cho biết, bên cạnh ưu điểm kể trên, máy hút đờm cũng giống như các biện pháp can thiệp đến sức khoẻ con người, có những quy định nghiêm ngặt, chỉ định rất rõ ràng, vì có khả năng xẩy ra tai biến, không thể xử dụng tuỳ tiện.

Do máy được thiết kế có một lực hút nhất định và một quy trình để đưa sức hút này xuống đến phế quản gốc, trên đường đi từ mũi đến phế quản gốc, ống hút đờm và lực hút của máy có khả năng làm tổn thương các niêm mạc của đường thở, dẫn đến nguy cơ làm nhiễm trùng nặng thêm bệnh lý đường hô hấp.

Do đó, trong y khoa người ta sẽ không chỉ định sử dụng máy hút đờm cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ khi bệnh nhân còn có những phản xạ sinh lý bình thường như tỉnh táo, ho. Hiểu một cách ngược lại, máy hút đờm được chỉ định khi người bệnh bị hôn mê, mất ý thức, mất phản xạ ho. Nhưng trước khi nhân viên điều dưỡng đưa máy vào hút đờm, cần có nhà Vật lý trị liệu thực hiện các kỹ thuật để dẫn lưu đờm nhớt từ sâu trong phổi đi dần ra đến phế quản gốc, từ đây máy hút đờm mới phát huy được chức năng hút đờm. Nghĩa là xử dụng máy hút đờm đòi hỏi phải có nhà chuyên môn được quy định có chức năng trong việc vận hành máy.

Như vậy, khi không sử dụng máy hút đờm thì đâu là cách khoa học nhất để giải quyết đờm nhớt bị ứ đọng, đó là phải dựa vào sinh lý bình thường của con người chính là phản xạ ho, chuyên viên Vật lý trị liệu được đào tạo chuyên môn về hô hấp sẽ có các kỹ thuật giúp người bệnh tống xuất đờm nhớt ra khỏi đường thở nhanh chóng, hiệu quả không thua kém máy móc mà lại an toàn, đó là các kỹ thuật làm loãng đờm nhớt bằng nước muối sinh lý 9%o, kỹ thuật giúp trẻ tập trung sức ở thì thở ra tạo thành khả năng tống bật đờm ra khỏi mũi, họng. Sau một lần điều trị, sự cải thiện được thể hiện ngay qua việc trẻ bú, ăn uống lại bình thường, ngủ êm, hết quấy khóc.

Bên cạnh ưu điểm của phương pháp vật lý trị liệu, thì cũng có những lưu ý quan trọng đó là khi làm kỹ thuật dù có khi trẻ không khạc đờm ra ngoài do đã nuốt xuống họng, thì chúng ta đừng cứng nhắc dùng tay móc đờm làm cho trẻ nôn, vì như thế sẽ làm cho trẻ thêm khó chịu và không khoa học. Và cần biết rằng, phương pháp vật lý trị liệu là một biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh lý hô hấp, trẻ vẫn cần được bác sĩ khám, theo dõi điều trị bằng thuốc hoặc kết hợp các liệu pháp khác để xử lý các vấn đề bệnh lý hô hấp.

Theo Minh Hải

(VnMedia)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)