Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn uống hợp lý có thể chữa được bệnh tật, ngược lại ăn uống không khoa học, không hợp lý là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh mãn tính.
Ăn uống là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Ăn uống kém, không hợp lý làm giảm sức chống bệnh của cơ thể. Những trẻ suy dinh dưỡng dễ bị sốt, bị ho, bị viêm phổi và nhiều bệnh khác, khi mắc bệnh lại thường nặng hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
Các bệnh do thiếu dinh dưỡng như: Thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà, bệnh khô mắt có thể dẫn tới mù lòa; thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù; thiếu vitamin D gây bệnh còi xương; thiếu i-ốt gây bệnh bướu cổ và đần độn; thiếu sắt gây bệnh thiếu máu; thiếu canxi gây bệnh xốp xương ở người cao tuổi, dẫn đến dễ bị gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi rất nguy hiểm.
Ăn uống không hợp lý phát sinh nhiều bệnh mãn tính. Ảnh minh họa.
Vậy, thế nào là ăn uống hợp lý? Các chuyên gia chỉ ra rằng, biết phân phối dinh dưỡng cân bằng trong bữa ăn hàng ngày mới là ăn uống hợp lý. Kết cấu bữa ăn là nói tới số lượng các loại thức ăn, tỉ trọng của chúng trong các bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, kết cấu bữa ăn của các nước trên thế giới có thể chia thành 2 loại hình:
– Ăn nhiều thịt, ít rau: Bữa ăn ít rau, nhiều thịt mặc dù có chất lượng tốt nhưng cũng có một số trường hợp quá thừa chất. Thường thì năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều protein, chất xơ thấp là yếu tố nguy hiểm dẫn đến các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, ung thư.
– Ăn nhiều rau, ít thịt: Bữa ăn nhiều rau, ít thịt, chất lượng bữa ăn sẽ kém. Lượng chất béo và protein thấp là nguyên nhân quan trọng gây phát sinh các bệnh về thiếu dinh dưỡng.
Ăn thịt, rau cân bằng: Ăn thịt, rau cân bằng. Trạng thái cân bằng giữa lượng thịt và lượng rau sẽ không dẫn đến dinh dưỡng quá thức, cũng không dẫn tới tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đây là phương pháp ăn uống hoàn hảo có thể đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của con người. Bữa ăn hàng ngày cân bằng rau thịt là kết cấu bữa ăn hợp lý.
Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng căn cứ vào kết cấu bữa ăn và tình trạng sức khỏe bệnh tật chung đã vạch ra một phương pháp điều chỉnh kết cấu bữa ăn hàng ngày, đó là : “Ổn định lương thực, bảo đảm rau tươi, tăng thêm lượng sữa, điều chỉnh loại thịt”.
Đảm bảo lương thực và rau xanh: Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, bữa ăn hàng ngày lấy lương thực làm chủ đạo dần thay thế bởi bữa ăn theo kiểu các nước phát triển của phương Tây (giàu chất béo, giàu protein và ít chất xơ). Xét từ quan điểm dinh dưỡng học, bữa ăn có nhiều thức ăn từ rau có thể có lợi cho việc phòng tránh một số bệnh về tim mạch, bệnh tê phù. Tuy nhiên, trong bữa ăn hàng ngày, lượng thịt – rau vẫn phải cân bằng, chứ không thể tùy tiện tăng – giảm.
Rau tươi là bộ phận cấu thành quan trọng trong kết cấu bữa ăn truyền thống của người dân các nước nông nghiệp, cung cấp nhiều loại vitamin, đường, khoáng chất cùng các loại axit hữu cơ và các thành phần sắc tố. Đặc biệt vài năm gần đây tác dụng chống lão hóa của vitaminh C đã được nhiều người quan tâm. Họ thường cho rằng, ăn nhiều rau củ quả giàu vitamin C sẽ có tác dụng tốt trong phòng tránh bệnh ung thư và các bệnh tim mạch.
Tăng sữa, điều chỉnh loại thịt: Sữa là nguồn quan trọng cung cấp protein và canxi. Sữa giàu nguyên tố canxi, hơn nữa dễ được cơ thể hấp thụ nên tỉ lệ người sử dụng cao, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và trưởng thành của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Chính vì thế, việc tăng cường lượng sữa hấp thụ vào cơ thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự cân bằng ăn uống.
Hầu hết mọi người đều sử dụng thịt lợn như thức ăn chủ yếu từ thịt. Nếu so sánh thịt lợn với thịt gia cầm, thịt lợn có hàm lượng protein tương đối thấp, hàm lượng chất béo khá cao. Chính vì thế, cần điều chỉnh kết cấu thức ăn lấy thịt gia cầm và cá làm thức ăn chủ yếu.
Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, quan điểm duy trì đều đặn thức ăn từ rau trong bữa ăn hàng ngày không chỉ giúp nâng cao chất lượng bữa ăn mà còn có thể phòng tránh được một số bệnh về thiếu dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng tránh được các căn bệnh mãn tính.
Theo VnMedia
Bình luận (0)