Cườm nước (glôcôm) là một nhóm các bệnh ở mắt, gây thương tổn dần dần cho đầu thị thần kinh.
Khám mắt định kỳ để sớm phát hiện cườm nước hay những bệnh về mắt khác – Ảnh: Shutterstock |
Thị thần kinh là thần kinh truyền hình ảnh từ mắt lên não để ta nhận được hình ảnh hay sự vật. Nếu không được chữa trị, hầu hết các loại cườm nước đều tiến triển làm mắt mờ dần và có thể dẫn đến mù lòa. Cườm nước được mô tả như một bệnh “gây mù thầm lặng” hay “kẻ cắp thị lực lén lút”. Người ta ước đoán khoảng 4,5 triệu người trên thế giới bị mù do cườm nước và con số này sẽ tăng lên 11,2 triệu người vào năm 2020. Cũng cần lưu ý là do sự tiến triển thầm lặng (ít nhất trong giai đoạn đầu) của bệnh này, nên 50% bệnh nhân ở các nước phát triển (Âu – Mỹ) không nhận thức được mình đã mắc bệnh. Còn ở các nước chưa phát triển, con số này có thể tăng đến 90%.
Nguyên nhân
Người ta thấy rằng nguyên nhân của hầu hết các loại cườm nước là do áp suất cao trong mắt (gọi là nhãn áp). Tuy nhiên, cũng có những người nhãn áp không cao vẫn có thể mắc bệnh cườm nước, trường hợp này gọi là cườm nước nhãn áp bình thường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác gây cườm nước như: chủng tộc, bệnh sử gia đình, cận thị nặng, tuổi tác…
Ở người da trắng và da đen, loại glôcôm thường thấy nhất là cườm nước góc mở nguyên phát; ở người châu Á là cườm nước góc hẹp (góc đóng). Cườm nước góc đóng thường kinh niên giống như cườm nước góc mở nguyên phát, nhưng đôi khi cũng thuộc dạng cấp tính, lúc đó bệnh nhân thấy mắt đau dữ dội và mờ rất nhanh.
Nhiều dạng
Có loại do biến chứng của bệnh khác, như khi bị chấn thương gây cườm nước thì được gọi là cườm nước “thứ phát” do chấn thương. Nhưng hầu hết là do “tự phát” hoặc “nguyên phát”, tức là bệnh xảy ra mà không biết nguyên nhân. Vài dạng cườm nước có thể xảy ra từ lúc mới sinh (cườm nước “bẩm sinh”) hay xảy ra thời niên thiếu (cườm nước “niên thiếu”). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp cườm nước xảy ra sau 40 tuổi và tần suất của bệnh tăng theo tuổi tác.
Điều trị
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị: Bằng thuốc/laser và bằng phẫu thuật. Cườm nước không chữa hết được và khi mắt đã mờ thì không phục hồi được nữa. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc/laser hay phẫu thuật có thể ngăn chặn hay làm chậm mắt bị mờ. Vì vậy, việc sớm phát hiện được bệnh là điều cơ bản để hạn chế tình trạng mắt bị mờ, tránh được bệnh tiến triển đến nặng hay mù lòa.
Ai cũng có thể mắc bệnh cườm nước, vì vậy việc đi khám mỗi năm 1 lần là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Riêng đối với người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên đi khám mỗi 6 tháng.
Đối với người đã bị cườm nước, nên tuân thủ theo lịch tái khám cũng như dùng thuốc theo đúng lời dặn của bác sĩ.
TS-BS Nguyễn Cường Nam
(TNO)
Bình luận (0)