Cải bó xôi cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt…
Cải bó xôi có vị ngọt cay, tính mát, không độc. Bó xôi có công dụng bổ máu, cầm máu, có lợi cho các tạng, thông mạch máu, giải khát, chống táo bón, bồi bổ và ổn định chức năng gan, trợ giúp tiêu hóa; dùng chữa các chứng như cao huyết áp, đau đầu, chóng mặt, nhức mắt, bệnh tiểu đường, táo bón…
Tác dụng thực dưỡng
1. Nhuận trường thông tiện, phòng trị bệnh trĩ: Bó xôi chứa nhiều chất xơ thực phẩm, có tác dụng tăng cường nhu động của đường ruột, tiện cho bài tiết, trợ giúp tiêu hóa. Bó xôi có tác dụng điều trị đối với các chứng bệnh như trĩ, viêm tuyến tụy mạn tính, táo bón…
2. Thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường sức đề kháng: Bó xôi chứa beta-carotene, khi vào trong cơ thể sẽ biến thành vitamin A, giúp duy trì thị lực bình thường và sức khỏe của tế bào thượng bì, gia tăng sức đề kháng dự phòng bệnh lây nhiễm, giúp trẻ nhỏ tăng trưởng.
3. Bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe: Trong bó xôi chứa nhiều chất dinh dưỡng như beta-carotene, vitamin C và E, canxi, phospho và một lượng sắt nhất định; cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt hơn đối với các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt.
4. Đẩy mạnh tiến trình thay cũ đổi mới trong cơ thể, trì hoãn
lão hóa: Bó xôi có tác dụng đẩy mạnh tiến trình thay cũ đổi mới trong cơ thể, tăng cường sức khỏe. Ăn nhiều bó xôi có thể giảm nguy cơ trúng phong đột quỵ (tai biến mạch máu não).
5. Làm sạch làn da, chống già nua: Bó xôi vừa chống lão hóa vừa tăng cường sức sống trẻ trung, không chỉ làm sạch các lỗ chân lông mà còn giảm bớt nếp nhăn và tàn nhang, bảo vệ làn da sáng đẹp.
Món canh bó xôi nấu với gan dê có tác dụng dưỡng gan, sáng mắt.
Ảnh: Hồng Thúy
Các món ăn từ bó xôi
1. Cháo bó xôi: Bó xôi 50 g, táo đen 50 g, gạo 100 g. Gạo, táo rửa sạch, cho nước nấu thành cháo. Sau khi chín thêm bó xôi nấu sôi lên. Món cháo dinh dưỡng dồi dào, có tác dụng kiện tỳ ích khí (bồi bổ hệ tiêu hóa, tăng năng lực), dưỡng huyết bổ hư (bổ máu chống suy nhược). Cháo bó xôi thích hợp đối với người bị thiếu máu do thiếu sắt, mỗi ngày dùng 1 lần, dùng liền 15 ngày.
2. Gỏi bó xôi – củ sen: Bó xôi 200 g, củ sen tươi 200 g. Bó xôi chọn loại lá non, rửa sạch, cho vào nước sôi trụng qua; củ sen gọt vỏ cắt sợi, trụng qua nước sôi để khử vị lạ. Các vật liệu trên thêm muối, dầu mè trộn lẫn. Món ăn này có tác dụng làm mát gan, sáng mắt, thích hợp với người thiếu máu gan dẫn đến thị lực kém, chóng mặt, tay chân run rẩy…
3. Canh bó xôi nấu gan dê: Bó xôi tươi 50 g, gan dê 50 g. Bó xôi rửa sạch cắt đoạn, gan dê cắt lát. Nấu nồi nước khoảng 750 ml, nước sôi bỏ gan dê vào, chờ sôi một lúc nữa thì thêm bó xôi; thêm muối, dầu mè với lượng vừa, nấu sôi. Món canh bó xôi nấu với gan dê có tác dụng dưỡng gan, sáng mắt, thích hợp đối với người có thị lực kém, mắt khô…
4. Canh bó xôi nấu huyết heo: Bó xôi tươi 500 g, huyết heo 500 g, gừng cắt lát với lượng vừa, hành cắt đoạn lượng vừa. Bó xôi rửa sạch cắt thành đoạn, huyết heo cắt lát. Đặt chảo lên bếp, thêm mỡ, hành, gừng xào bốc thơm; đổ huyết heo vào xào sơ, thêm rượu gạo, xào cho khô nước, thêm vào muối, bột tiêu, bó xôi; sau khi sôi cho vào bát. Món canh này có tác dụng bổ máu, cầm máu, thích hợp cho người máu kém chất lượng, thiếu máu hay chảy máu…
Lưu ý: Bó xôi chứa axít oxalic và muối canxi có thể kết hợp thành muối oxalat canxi lắng đọng, sẽ làm cho màu nước tiểu của người bệnh viêm thận bị đục, muối kết tinh gia tăng. Do vậy, người bị viêm thận và sỏi thận không nên ăn bó xôi.
Lương y – dược sĩ Bàng Cẩm
(NLĐ)
Bình luận (0)