Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Độc tố của nấm tồn tại rất lâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Đặc điểm của loại nấm gây chết người là chứa độc tố rất bền với nhiệt. Tài liệu nước ngoài nói rằng phơi khô, để 10 năm cũng không mất độc tính”.

Ngày 19-3, TS Hoàng Công Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Độc học, Học viện Quân Y (Hà Nội), người đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về nấm độc, cho biết như trên sau khi có hàng loạt vụ ngộ độc nấm xảy ra gần đây.

Theo ông Minh, mọi người hay nhầm lẫn giữa nấm độc và không độc vì cho rằng nấm độc là nấm phải có màu sắc sặc sỡ (đỏ, vàng, xanh, đen). “Tuy nhiên, loại nấm gây chết người, hoại tử gan ở Việt Nam hiện nay là loại nấm trắng muốt, trắng sữa. Người ta gọi nấm trắng độc này là “nàng tiên chết người trong rừng” bởi nó rất trắng, rất đẹp nhưng ăn vào là chết người” – ông Minh nói.

Ngoài ra, theo ông Minh quan niệm của người dân khi hái nấm về thường cho động vật ăn, nếu thấy nó bị ngộ độc thì coi đó là nấm độc, cũng là quan điểm không đúng. “Chúng tôi đã thử nghiệm cho động vật ăn loại nấm độc này và động vật chỉ chết ở ngày thứ năm, thứ sáu sau khi ăn nấm” – ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, phân biệt giữa nấm độc và không độc là rất khó khăn, ngay cả với những chuyên gia. Vì vậy, ông Minh khuyến cáo người dân không nên hái nấm từ rừng về ăn.

Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công điện khẩn gửi các địa phương phía Bắc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc nấm tán trắng. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 9-3 đến 15-3, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang đã xảy ra ba vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên loại nấm độc tán trắng làm 14 người mắc và đã có hai người bị chết.

NGỌC BẢO (PLO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)