Năm 2012 chuẩn bị kết thúc. Nhìn lại một năm qua, giáo dục nước nhà đã có những bước phát triển nhưng bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề đòi hỏi các cấp quản lý phải có sự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Giáo Dục TP.HCM xin đưa ra những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2012.
Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua
Sau nhiều nỗ lực, Luật Giáo dục ĐH đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Luật Giáo dục ĐH gồm 7 chương, 73 điều, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục ĐH, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục ĐH và quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH. Đối tượng áp dụng của luật này là các trường CĐ, ĐH, học viện, ĐH vùng…; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục ĐH. Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH để lấy ý kiến đóng góp toàn xã hội trước khi luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.
Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt
Theo đó,với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện. Trong đó, với các mục tiêu cụ thể nhưhoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95%; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350-400. GDTX cũng được phát triển tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập. Để đạt được mục tiêu này thì thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015. Định kỳ đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Đến 2020 có 25% giảng viên ĐH và 8% giảng viên CĐ là tiến sĩ.
Ban hành hướng dẫn dạy thêm – học thêm
Để thống nhất việc quản lý dạy thêm – học thêm ở các trường phổ thông, trong tháng 5-2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn dạy thêm – học thêm tại các cơ sở giáo dục trong cả nước. Thông tư đã quy định rất rõ trách nhiệm của các trường, của giáo viên và của các trung tâm dạy thêm – học thêm. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện không ít địa phương đã gặp phải rất nhiều khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy, cho đến giờ, hầu như các địa phương vẫn chưa ban hành được quy định dạy thêm – học thêm cho riêng mình.
Olympic toán học quay về top 10
Sau khi tụt xuống hạng dưới 30 vào năm 2011 thì năm nay, đội tuyển Olympic toán học quốc tế của Việt Nam đã quay trở về vị trí top 10. Không những thế, các đội tuyển Olympic khác của Việt Nam cũng giành được rất nhiều huy chương tại đấu trường quốc tế. Năm nay cũng là năm đầu tiên chứng kiến sự hiện diện của các thí sinh dự thi Olympic đến từ các tỉnh, thậm chí là cả tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi như Sơn La nhưng đã giành được huy chương vàng Olympic vật lý. Thành công này được các chuyên gia lý giải do nỗ lực của toàn ngành nhưng đồng thời cũng phải kể đến chính sách tuyển thẳng ĐH đối với học sinh đạt giải quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Năm 2012 cũng là tròn 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ra đời. Nhân dịp này, Bộ GD-ĐT cũng như toàn ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm ngày này. Trong đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các nữ nhà giáo đang công tác tại vùng hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, gặp mặt và trao danh hiệu cho các nhà giáo nhân dân…
Kéo dài thời gian tuyển sinh
Dù vẫn thi 3 chung nhưng năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ được kéo dài thời gian tuyển sinh đến 30-11 với mục tiêu là tạo điều kiện để các trường có thể tuyển đủ được chỉ tiêu. Tuy nhiên, dù đã hết hạn tuyển nhưng rất nhiều trường, nhiều ngành của các trường ngoài công lập và kể cả công lập đều có nguy cơ đóng cửa. Có nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan nhưng điều cơ bản đó là do thí sinh “chê” các trường ngoài công lập và các ngành truyền thống.
Tạm dừng mở các ngành đào tạo dư thừa
Trước thềm hội nghị thi và tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường ĐH đào tạo các ngành này. Cho tới nay, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình.
Nghiêm Huê (tổng hợp)
Bình luận (0)