Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – “Lửa” nghề luôn “cháy”…

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đang tư vấn về giới tính cho học sinh THCS
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn là một gương mặt rất quen thuộc với các bạn học sinh – sinh viên cả nước. Dù rất bận rộn với nhiều vai trò: Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cố vấn Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM nhưng anh vẫn dành cho Giáo Dục TP.HCM một cuộc trò chuyện thú vị xoay quanh vấn đề truyền “lửa” tâm lý cho học trò…
PV: Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, “lửa” nghề là rất quan trọng với bất cứ nghề nào. Trước đây, khi ngành nghề tâm lý chưa phát triển, điều gì đã khiến anh chọn thi ngành này, nghề này: Một diễn giả tâm lý, một giảng viên, một chuyên viên? Và cả một người huấn luyện, nhà quản lý?
– PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi yêu nghề tâm lý, yêu công việc của chính mình bằng những niềm vui trong nghề nghiệp. Cái “lửa” đến với tôi một cách tình cờ. Tôi muốn lắng nghe, muốn hỗ trợ người khác, muốn dành tinh thần và sức khỏe của mình để chia sẻ, tham vấn hay giảng dạy… tâm lý học. Đó thực sự là “lửa” trong suy nghĩ, cũng như cảm xúc về nội lực bên trong của một con người…
Ngành tâm lý hiện nay đang phát triển mạnh, trở thành ngành “hot” được nhiều thí sinh lựa chọn. Theo anh, nguyên nhân vì sao? Bên cạnh đó, sự xuất hiện của rất nhiều nhà tư vấn trẻ có làm anh nghĩ đến sự cạnh tranh trong nghề? Và đâu sẽ là “đặc sản” chính của nhà tư vấn Huỳnh Văn Sơn?
– Cảm ơn cuộc sống đã thừa nhận nghề tâm lý là một nghề nghiệp chính thức và công bằng. Tôi thực sự tự hào về nghề nghiệp của mình. Tôi từng được nhiều chuyên gia trong nghề, nhiều thầy cô giáo ủng hộ, dạy dỗ và giúp đỡ. Tôi hiểu mình cần học lại về tầm nhìn để làm nghề nghiệp của mình phát triển chứ không hẳn là làm nghề mình lụi đi… Tôi tâm niệm và thường sẻ chia với các bạn nghề rằng, hãy làm thật tốt rồi nói, hãy có sản phẩm thật tốt thay vì chê người khác, hãy nói công bằng về nghề của mình chứ đừng làm xấu nghề mình, hãy làm tốt hơn hiện thực chứ không phải là yêu cầu hoàn hảo… Theo tôi, sự cạnh tranh cũng là sự phát triển. Nhưng tôi thích sự cạnh tranh “sạch” chứ không phải sự vượt mặt lén bởi chất kích thích hay sự vươn ẩu của rau dại… Và tôi không cho phép mình dừng lại, cũng như muốn nhiều chuyên gia trong nghề hiểu rằng: Khi bạn tiến lên thì người khác cũng đã chạy đi, thậm chí là bay lên. Còn thương hiệu riêng ư? Chỉ cần bạn được thân chủ tin tưởng nghĩa là sự thành công bước đầu đã được xác lập. Nhưng điều này là một thách thức đặc biệt lớn và tôi vẫn phải cố gắng từng ngày…
Anh nghĩ thế nào về đạo thầy trò trong xã hội hiện đại. Người thầy nào anh không thể quên trong cuộc đời mình?
– Tôi may mắn được làm học trò của nhiều thầy cô giáo rất yêu nghề, đầy “lửa” nghề… nên thật sự rất yêu quý thầy cô của mình. Tôi mãi tôn trọng đạo thầy trò trong cuộc sống. Với tôi, thầy cô có thể hạn chế cái này, chỗ kia. Thầy cô cũng là con người mà! Ai đã từng dạy ta dù chỉ là điều nhủ thật khẽ cũng đừng quên dù có sự ngụy biện. Tôi nghĩ có thể mỗi người có chuẩn cao lắm về người thầy hoàn hảo, nhưng trước hết hãy tự hỏi mình có phải là học trò hoàn hảo?
Anh nghĩ thế nào về nhiệm vụ truyền “lửa” cho một thế hệ khi anh đang là giảng viên của Trường Sư phạm?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tặng hoa cho cố GS-NGND Hoàng Như Mai trong chương trình Một thời dấu yêu 3 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
– Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, thầy cô đào tạo ra người thầy và nhà quản lý giáo dục phải là người yêu nghề thật sự. Chính sự yêu nghề của giảng viên sư phạm mới thắp lên “lửa” yêu nghề của thầy cô giáo mà hôm nay mới chỉ là sinh viên… Nhiệm vụ truyền “lửa” nghĩ thế mà không đơn giản vì yêu cầu thực tế đào tạo đòi hỏi sinh viên sư phạm cần hiểu rõ, thích ứng trong nghề nghiệp, trong thực tiễn nên các cảm xúc tích cực và tiêu cực đan xen nhau… Và cái khéo của gia vị nêm nếm cần thực sự vừa đủ, tinh tế.
Là Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, anh nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh của các chuyên gia tâm lý hiện nay?
– Tôi cho rằng đây là một câu hỏi thú vị. Hàng loạt những chuyên viên tâm lý đang làm rất tốt công việc của mình và tôi chỉ cảm ơn các anh chị, các bạn. Tôi không có quyền phán xét nhưng rõ ràng hình ảnh của những chuyên viên tâm lý năng động, thích ứng xã hội đang là hình ảnh đẹp. Nhưng cũng có vài chuyên viên muốn nổi lên bằng mọi giá, vì những “thầy dùi” vì cái tôi ngược sóng, vì cái sắc nhọn của cá tính nên bất chấp… Sẵn sàng phê bình đồng đội bằng lời lẽ cay nghiệt, sẵn sàng “chặt chém” người khác để chứng minh mình bản lĩnh, sẵn sàng cho rằng mình mới là chuyên nghiệp thì cần xem lại. Tiếc cho những người ấy vì tôi nhớ có người dạy tôi rằng: Khi chưa dạy họ, đừng trách họ chẳng biết gì, khi chưa đồng hành cùng họ để hướng dẫn, đừng trách vội khi họ làm sai… Tôi tâm đắc câu nói của một diễn giả cao tuổi mà tôi được học: “Tài năng tự tâm trước, tội lỗi từ ta ra…”. Xem chừng tôi không thể đánh giá cá nhân hết những ngọn “lửa” đang cháy sáng…
Nhưng không thể phủ nhận anh đã thắp sáng những ngọn “lửa” ấy? Anh tự hào về ngọn “lửa” nào hiện nay trong nghề nghiệp của mình? Và anh có sợ bị “đốt cháy”?
– Tôi tự hào về một lớp chuyên viên, diễn giả trẻ xuất thân từ nghề tâm lý. Không được theo chân các bạn từ thời sinh viên thì có lẽ cũng có thể được chục lần gặp gỡ ở bậc thạc sĩ hay tình cờ ngồi hội đồng tiến sĩ… Tôi tự hào vì một nhóm trẻ năng động, tích cực… Đó là hàng loạt nghiên cứu sinh – thạc sĩ như: Nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Long, Bùi Hồng Quân, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Đào Lê Hòa An, Đinh Quỳnh Châu, Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Trang Nhung… và hàng loạt bạn trẻ khác cũng đầy nội lực. Tôi không sợ bị “đốt” nếu mình bị đốt để người khác sáng… Nhưng tôi sẽ rất đau nếu người mình từng dìu dắt từng bước đi vào đời “đốt cháy” chính họ, thậm chí cháy sém một mẩu hình ảnh của nghề nghiệp mà họ không hay biết. Nói thế nhưng tôi tin rằng lòng tự trọng của mỗi người sẽ giúp người ta biết dừng lại và tôi tự tin nói rằng, những người làm nghề tâm lý học thực sự làm nghề bắt đầu bằng chữ tâm trong tâm lý chứ không phải bằng chữ nổi của nổi tiếng, cuồng của cuồng vọng!
Thông điệp mà tôi muốn gửi đến những thầy cô làm nghề tâm lý học dù là giảng viên, người huấn luyện, chuyên viên tham vấn hay quản nhiệm… rằng tất cả và mãi mãi chúng ta là thầy dù chức danh có khác nhau. Và vì thế hãy phát ngôn, hãy hành động là thầy dù có phả vào đấy sự hiện đại của cuộc sống.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Khôi Nguyên (thực hiện)
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn từng đoạt giải khuyến khích nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc 1996; giải thưởng Luận văn xuất sắc Eureka 1996; hướng dẫn sinh viên đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học toàn quốc, Tài năng trẻ toàn quốc: 2003, 2005, 2007, 2009, 2011, 2012; hướng dẫn sinh viên đạt giải thưởng Eureka: 2003, 2005, 2007, 2011, 2012.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)