Chuyện osin thời nay được xếp vào loại chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, nhưng nếu chịu khó ngồi nghe các nữ công chức trò chuyện về người giúp việc nhà hoặc vào những diễn đàn dành riêng cho các bà mẹ thì mới thấy cả 1.001 câu chuyện bi hài quanh các cô osin. Nỗi khổ quanh chuyện thuê mướn người giúp việc nhà đôi khi lại rất đáng nói trong các gia đình trẻ: có người một năm thay đến sáu cô osin, có gia đình đang hạnh phúc bỗng trở nên rối rắm cũng chỉ vì không tìm ra người giúp việc. Có đấng mày râu đã ngậm ngùi thốt lên sau khi cạn hết ly bia rằng: “Tìm osin còn khó hơn tìm vợ!”.
Điệp vụ bất khả thi
Dũng là dân Hà Tĩnh, nhà ở phường 25, quận Bình Thạnh, đang làm thuyền phó của một tàu vận tải viễn dương. Vợ Dũng dân Nghệ An, làm kế toán cho một công ty tư nhân ở quận 9. Họ vừa cưới nhau năm ngoái và chuẩn bị sinh con. Do phải thường xuyên vắng nhà nên khi mẹ vợ từ quê vào ở chung, Dũng rất mừng, quyết định kiếm một người giúp việc nhà và chăm sóc bà cụ vốn đã ngoài 70.
Chuyện cũng sẽ rất đơn giản nếu như cụ bà không bất ngờ đưa ra yêu cầu: osin phải là người đồng hương Nghệ An! Lý do là người giúp việc như thế thì giọng nói dễ nghe, nấu món ăn cũng hợp khẩu vị và lúc rảnh rỗi có thể đem chuyện quê ra cùng nhau hồi tưởng. Anh chồng tất nhiên là không có thời gian để làm việc này bởi quanh năm long đong trên biển, còn cô vợ lại đang bầu bì. Thế là trọng trách thực hiện chữ hiếu với mẹ vợ được giao cho người bạn thân với lời gửi gắm chân tình: “Cậu ráng giúp tớ. Phần thưởng là một chai XO chính hiệu”.
Tại một công ty cung cấp người giúp việc trên đường 3/2, sau khi nói yêu cầu của mình, người nhận giúp bạn tìm osin chính là tôi đã có được câu trả lời thú vị từ cô nhân viên: “Anh đến khu vực này mà tìm osin người miền ngoài thì cũng giống như lên rừng mà hỏi mua cá biển vậy!”. Cái gọi là “khu vực này”, theo lời giải thích của cô ấy, tức là những vùng gần Bến xe Miền Tây như quận 6, 11, Bình Tân…
Như để chứng minh cho tính đúng đắn của sự so sánh ấy, cô nhân viên khoát tay chỉ vào bốn năm phụ nữ giúp việc nhà đang ngồi chờ gần đó: “Toàn người miền Tây hết!”. Đúng như lời cô nhân viên nói, sau khi ghé thêm vài chỗ chuyên cung cấp osin trên các con đường 3/2, Lãnh Binh Thăng, Bà Hom, An Dương Vương… yêu cầu của tôi nhanh chóng được đáp trả bằng những… cái lắc đầu dứt khoát và những cái nhếch mép cười đầy ẩn ý.
Tham khảo ý kiến của một cô bạn làm việc trong ngành truyền hình đã có “thâm niên” trong chuyện tìm kiếm osin, tôi đến khu vực Cách Mạng Tháng Tám – Bắc Hải, quận 10. Nhưng nơi đây lại có cái khó khác, e còn khó hơn cả khu vực vừa nói ở trên. Đó là không có osin để thuê, nói gì đến chuyện chọn với lựa. Một phụ nữ đang ngồi chờ việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Cách Mạng Tháng Tám làu bàu khi nghe yêu cầu của tôi: “Sáng giờ mới có hai người chịu làm osin, có chủ nhận ngay rồi, lấy đâu ra mà đòi Nghệ An với Hà Tĩnh!”.
Cô nhân viên của trung tâm khác gần đó cười với tôi: “Miền ngoài à? Hình như cả tháng nay chỉ có một người, nhưng là người Quảng Bình, chưa tới Nghệ An đâu”. Đi sâu vào đường Bắc Hải, sau khi nêu yêu cầu, tôi may mắn nhận được cái gật đầu của cô nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm khác. Chưa kịp mừng thì một nhân viên khác đã: “Chị đó nhận đi phụ bán quán cơm rồi, không chịu đi giúp việc nhà nữa”.
Những ngày sau đó, tôi tiếp tục đi thêm một số trung tâm giới thiệu việc làm nữa ở Tân Bình, quận 3, quận 1 và cả quận 8, nhưng tình hình vẫn thế, nơi thì không có người nào, nơi thì có sẵn người nhưng lại không đúng yêu cầu. Sau một tuần, bạn tôi gọi điện hỏi, tôi vui vẻ trả lời: “Tạm thời mình đã vẽ ra được bản đồ chợ osin Sài Gòn. Hãy đợi đấy!”.
Từ chợ người giúp việc…
Theo ý nghĩ chủ quan của tôi, chợ người giúp việc Sài Gòn có mấy loại như sau. Thứ nhất là chợ nóng, tức là những công ty, trung tâm chuyên cung cấp người giúp việc trên đường 3/2, An Dương Vương và khu vực phía trước Bệnh viện Nhi đồng 1. Nơi đây người tìm việc sau khi ra khỏi xe từ Bến xe Miền Tây sẽ được các anh xe ôm tinh mắt hỏi thăm và chở thẳng đến các trung tâm.
Trong thời buổi khủng hoảng thiếu osin này, sẽ có những đơn đặt hàng chờ sẵn hoặc có cả những chủ nhà đang ngồi đợi, với mức lương hiện tại là một triệu đến một triệu hai trăm ngàn đồng mỗi tháng. Thành ra có nhiều phụ nữ từ An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… cùng có chung một lộ trình: bước xuống bến xe – đến trung tâm giới thiệu việc làm bằng xe ôm – nộp chứng minh thư và ngồi chưa kịp ráo mồ hôi thì lên xe về nhà chủ.
Kế đến là chợ nguội – những trung tâm giới thiệu việc làm nằm rải rác ở các quận 7, 8, 1, 3, 10… Khi đến những nơi này tìm người giúp việc, người ta sẽ nhận được ngay lời than thở về chuyện không có nhân lực. Sau đó, người tìm osin sẽ được hỏi về nhà cửa, số nhân khẩu trong gia đình, mức lương sẽ trả và cuối cùng là số điện thoại để “khi nào có người sẽ gọi ngay”.
Điểm giống nhau của hai loại chợ này có lẽ là cách tính tiền lệ phí và chế độ “bảo hành”. Lệ phí cho một lần cung cấp osin ở những nơi này khá bình dân, từ 200 đến 250 ngàn đồng. Khách hàng phải đóng số tiền này ngay khi nhận người. Nếu trong bảy ngày gia chủ không vừa ý với người giúp việc thì có thể đổi người khác hoặc không thuê nữa và được nhận lại 50% tiền lệ phí đã đóng. Tất nhiên “chợ” bao giờ cũng đi kèm với ít nhiều sự phức tạp. Những người chủ chợ, nhìn theo góc độ nào đó, chẳng khác “cò” là mấy, bởi chỉ biết nhận tiền lệ phí chứ không có bất kỳ bảo đảm nào cho khách hàng. Rất nhiều gia chủ đã phải ngậm đắng nuốt cay khi vớ phải một người giúp việc lười biếng, hỗn láo và thậm chí gian xảo.
Chị Tâm – nhân viên ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Bàu Cát (Tân Bình) đã “bật mí” một chi tiết quan trọng: đến trung tâm nào mà thấy có nhiều osin ngồi chờ sẵn thì chớ có vội mừng, bởi đó chính là những người giúp việc chuyên chạy sô, hoặc “đứng núi này trông núi nọ”. Đa số họ đều đã có chỗ ở ổn định và không bức xúc lắm về chuyện tiền bạc. Những người này nếu thuê về vài ngày, họ tự bỏ sau khi chê chuyện này, chuyện khác. Tệ hơn, một số trung tâm còn móc nối với người giúp việc để lừa gia chủ quay vòng ăn tiền lệ phí. Cũng theo chị Tâm, nên đăng ký trước và chọn ngay những người từ dưới quê lên, nếu may mắn sẽ gặp được một osin giỏi giang và trung thành.
… Đến “siêu thị” osin
Một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường chọn cách đặt hàng ở các công ty cung cấp osin chuyên nghiệp vì có thể tìm được các osin theo ý muốn, tuy giá có cao hơn một chút. Nếu so sánh cách làm với những chợ người giúp việc đã nói ở trên thì có thể gọi những công ty chuyên nghiệp này là “siêu thị” osin.
Nơi đây, người giúp việc được đào tạo bài bản trước khi giới thiệu cho người thuê. Điển hình nhất là Công ty Nhân Ái ở đường Võ Trứ, quận 8. Công ty này chuyên đào tạo và cung cấp những người giúp việc cho các bệnh nhân. Sự chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ các nhân viên đều biết rõ và thực hành tốt những thao tác cơ bản trong ngành y để giúp đỡ bệnh nhân – khách hàng. Người nhà bệnh nhân có thể thuê họ theo giờ, theo ngày hoặc theo từng nội dung cần làm (chẳng hạn giúp người bệnh ăn, đẩy xe lăn hoặc trò chuyện với người bệnh). Hiện nay, Công ty Nhân Ái chỉ nhận cho thuê giúp đỡ bệnh nhân ít nhất là tám giờ mỗi ngày với giá trọn gói là 70 ngàn đồng. Nếu thuê phục vụ 24/24 thì người nhà bệnh nhân phải trả 150 ngàn đồng mỗi ngày, hợp đồng có thời hạn trên 30 ngày sẽ được giảm giá 10%.
Công ty Chuyên Việc trên đường Lý Tự Trọng có hẳn một cơ sở đào tạo người giúp việc ở Bình Dương. Những phụ nữ theo nghề giúp việc sẽ được dạy cách sử dụng các thiết bị điện tử gia dụng, cách chăm sóc người già, em bé, phương pháp quản gia… và cả tiếng Anh giao tiếp. Đến với công ty này, khách hàng có thể yêu cầu người giúp việc theo những công việc cụ thể như quản gia, chăm sóc người già, giúp việc cho gia đình người nước ngoài…
Tất nhiên, tiền nào của đó, giá cả thuê osin nơi đây khá cao. Hiện giá phải trả cho một osin được đào tạo bài bản nơi đây là 2,9 triệu mỗi tháng (ở lại nhà), 2,65 triệu mỗi tháng (tám tiếng mỗi ngày), thuê theo giờ tính theo giá thỏa thuận…
Theo lời những nhân viên của các “siêu thị” này, khách hàng của họ đa phần là các doanh nhân, công chức trẻ, gia đình trung lưu trở lên… thường đi làm cả ngày, không có điều kiện chăm sóc con cái, nhà cửa. Họ, sau khi đã quá… mệt mỏi vì những rắc rối mà các osin nghiệp dư gây ra, đã tìm đến đây đặt hàng.
Không tìm ra, không phải Sài Gòn
Trở lại câu chuyện tìm một cô osin đến từ Nghệ An, dù đã hết sức cố gắng nhưng cuối cùng tôi đành chịu thua. Tìm đến nhà Dũng, tôi giải thích với mẹ vợ của anh theo cách mà những nhân viên các trung tâm giới thiệu việc làm, rằng phụ nữ quê miền Trung vào Sài Gòn tìm việc không mặn mà lắm với công việc giúp việc nhà. Ví dụ như dân Quảng Ngãi thích đi bán dạo, dân Huế thích buôn bán cố định những sản phẩm ngành may, dân Nghệ An thích làm công nhân xí nghiệp… Thật ra, thì trong quá trình tìm kiếm, tôi cũng gặp được một trường hợp sẵn sàng giúp việc nhà là một phụ nữ người Thanh Hóa. Thử hỏi bà cụ mẹ vợ Dũng, cụ bà nhấm nhẳn: “Khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào, làm sao tao nhận?”.
Tôi đem chuyện này than thở với một cô bạn đồng nghiệp. Cô ấy liền gọi cho một anh bạn, với lời quảng cáo rằng người đó đích thực là “thổ công Sài Gòn”. Anh bạn này đến và phán ngay một câu: “Không tìm ra, không phải Sài Gòn!”. Quả thật, hai ngày sau, anh ấy đưa cho tôi một địa chỉ và hào hứng nói: “Toàn là người giúp việc đến từ… Hà Tĩnh!”. Thôi thì Hà Tĩnh với Nghệ An cũng là Nghệ Tĩnh mà! Tôi lần theo địa chỉ, đến một con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Quang Trung. Nhưng khi tìm được ra vị trí thì cơ sở cung cấp osin đặc biệt này đã chuyển ra Thạnh Lộc, quận 12.
Tìm đến nơi thì đúng như lời giới thiệu: có rất nhiều cô gái trẻ dân Hà Tĩnh đang chờ việc làm, tất nhiên là cả giúp việc nhà. Tôi quay lại nhà Dũng để thuyết phục bà cụ rằng dân Hà Tĩnh cũng “rất được”. May thay, hôm ấy mát trời, cụ bà suy nghĩ một chút rồi nói: “Thôi cũng được, không phải quê choa nhưng lại là quê… hắn”. Hắn đây tức là anh con rể hiếu thảo của cụ, là ông thuyền phó bạn thân của tôi.
Theo Mạnh Thăng (Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)
Bình luận (0)