Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng hến ở sông Hoài

Tạp Chí Giáo Dục

Hến được làm sạch trước khi đưa về nhà
Như dải lụa uốn mình bên phố cổ Hội An, sông Hoài không chỉ được biết đến như điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương hay là chốn giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền hàng trăm năm về trước. Không giàu có sản vật như bao con sông khác nhưng đặc sản hến sông Hoài đã thành kế mưu sinh nuôi ước mơ đến trường học chữ cho bao thế hệ người dân nghèo khối Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam (TP.Hội An, Quảng Nam).
Nghề sống về đêm
Một ngày của bà con làm nghề cào hến ven sông Hoài thuộc phường Cẩm Nam bắt đầu từ 12 giờ đêm, mấy chục hộ cùng lúc í ới gọi nhau lên thuyền rời bến. Trong ánh sáng lờ mờ hắt lên màu nước sông bàng bạc, những đôi chân trần giẫm lên vỏ hến lạo xạo, lục đục với cào, lưới chuẩn bị xuống bến… Thấp thoáng từ đằng xa, ba bốn người đàn ông dần tiến lại gần khúc sông, không quên mang theo những lời chào hỏi đầu ngày. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả làm ồn ã cả một khúc sông Hoài. Không gian tĩnh mịch của màn đêm như được khuấy động, bộn bề chẳng khác gì cuộc sống ban ngày thường diễn ra. Bao giờ cũng vậy, bến sông như điểm hẹn của những người quanh năm “ăn nhờ một chút nước sông”.
Với những người theo nghề hến, khoảng thời gian từ 12 giờ đêm là mốc đánh dấu một ngày mới. Bởi đây cũng là thời điểm một ngày lao động của ngư dân được bắt đầu. Ông Phạm Văn Ri (52 tuổi) vừa dẫn chúng tôi ra bến sông vừa bắt đầu câu chuyện: “Nghề hến là nghề đi hôm về sớm, rứa mà đã bao năm tui trôi dạt với bến sông ni rồi. Cái nghề cái nghiệp nó riết lấy mình từ bao đời nay, không theo nó đặng biết lấy cái gì mà ăn… Mùa này nắng sớm, thuyền cũng phải tranh thủ đi làm từ đêm khuya cho đỡ nắng”.
Trước đây dân làng chỉ khai thác thủ công với cây cào đẩy, tì vào bụng và dũi sâu xuống cát, nhọc công nhọc sức mà hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây người làm hến “phát minh” cây cào được thả xuống đáy sông, một người khỏe đứng phía sau lái ghì sát cào xuống mặt đáy. Thuyền chạy, hến cứ thế bị xúc vào đụt lưới. Mỗi thuyền với một người đi cào từ sáng đến xế chiều, trừ dầu máy, lấy công làm lãi, mỗi thuyền mỗi ngày kiếm được tầm 100.000 đến 200.000 đồng.
Hến có quanh năm nhưng vào đầu hạ, khi con sông cạn nước là con hến qua một mùa mưa sinh sôi nảy nở, ấy là lúc hến “rộ mùa” nhất. Con hến căng, to và thịt cũng ngon dai hơn. Nhờ vậy, hến vào mùa này được giá rất cao do các “mối” từ nhiều nơi thường xuyên đến lấy. Mỗi năm người dân nơi đây chỉ “đi hến” từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch. Đến mùa đông, trong lòng sông Hoài chỉ sót lại những con hến nhỏ, thịt không thơm ngon bằng những mùa khác trong năm.
“Mỗi chuyến đi hến, được nhiều hay ít cũng nhờ phần lớn vào thiên thời địa lợi. Nhiều bữa, cào suốt từ đêm tới sáng, khi trở về chỉ đong được vài rổ hến con con, tiền bán hến đã không đủ nuôi gia đình qua một bữa huống chi tính chuyện để dành…”,một người đàn ông tầm 50 tuổi vừa nói, mắt ngước lên nhìn trời.
Gặp khi thời tiết xấu, tai nạn là điều không thể tránh khỏi trong những lần “đi hến”. Anh Phạm Công Sơn (45 tuổi) rùng mình khi nhớ lại lần “đối mặt” với tử thần cách đây ít năm: “Hôm đó, trời nổi dông, mưa như trút làm ngập cả thuyền. Chiếc ghe tắt máy xoay đủ chiều, chao sang một bên hất tui xuống nước. May lúc đó có ghe khác tới cứu… Sợ lắm nhưng cũng phải làm, mình ít chữ nghĩa thì biết làm nghề gì bây giờ”, Anh Sơn cười buồn, thở dài.
“Gánh” sông quê vào phố Hội

Chị Thắng phải nấu từ 3-5 nồi hến mỗi đêm để cung cấp cho thương lái và buổi chợ sớm
Nghề hến cũng khéo phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình. Công việc nặng nhọc cần sức lực như cào hến thì dành cho đàn ông, đàn bà ở nhà làm những phần việc còn lại: đãi, luộc, nấu hến và đem bán cũng vất vả chẳng kém. Khi những người đàn ông chuẩn bị “đi hến” cũng là lúc các chị thức dậy tất bật với công việc của mình. Bà Đinh Thị Thao, 70 tuổi đời, 55 năm tuổi nghề đưa đôi tay đảo liên tục trên nồi hến trong ánh lửa bập bùng soi rõ những nếp nhăn trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Bà Thao không nhớ nghề cào hến của người dân Cẩm Nam bắt đầu từ khi nào nhưng đến bà là đời thứ ba. Theo lời bà Thao, các công đoạn chế biến hến được làm hết sức công phu. Hến sau khi được đãi sạch, ngâm qua nhiều lần nước rồi mới đem luộc trên một chiếc bếp tự chế của người dân trong vùng. Luộc hến được chia làm nhiều lần, mỗi lần chừng 3kg, hến vừa nhanh chín lại vừa sức người làm.
Chị Đặng Thị Thắng (vợ anh Sơn) chia sẻ: “Những ngày đầu mới làm, còn chưa quen tay, hơi từ nồi nước luộc bốc lên khiến tay tui phồng rộp cả lên. Vừa đau vừa rát, tui định không làm nữa, nhưng mấy đứa nhỏ cần phải học cái chữ để đổi đời nên phải ráng thôi…”. Ngồi canh bếp hơn 3 tiếng đồng hồ, hơi nóng làm mồ hôi ra ướt đẫm cả một vạt lưng áo. Người phụ nữ này vẫn thoăn thoắt đảo hến bằng đôi bàn tay gầy gò, hằn vết chai sạm, cắt cứa vì cạnh sắc của vỏ hến.
Tầm 4, 5 giờ sáng, sau các công đoạn chế biến, thành phẩm được giao cho những mối khách hàng quen, số còn lại theo bước chân các chị lại tảo tần theo nhịp quang gánh rong ruổi qua những phiên chợ, hẻm phố dù gió bấc hay nắng mùa hạ rát mặt người. Một ký hến thịt có giá dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng. Ngoài ruột, vỏ hến cũng được bán với giá 150.000 đến 200.000 đồng/m3 cho những người quanh vùng sử dụng làm nguyên liệu chế vôi hoặc làm thức ăn bổ sung chất xơ cho vịt đẻ. Từ vỏ hến đến ruột hến, tất cả đều được tận dụng, quy đổi ra tiền, tăng thêm thu nhập cho những con nguời sống dựa vào nghề. Trừ mọi chi phí, nghề hến đem lại cho mỗi gia đình gần 100.000 đồng/ngày. “Nhờ đó, mấy năm trở lại đây có đến gần 30 học sinh nghèo làng hến được nối ước mơ đến giảng đường đại học đấy”, anh Sơn tự hào.
Cứ thế, nghề hến gắn liền nhịp cho bao cảnh đời sông nước ở Cẩm Nam như hơi thở tự nhiên. Khi bình minh ló dạng cũng là lúc người làm hến nơi đây kết thúc công việc của mình. Từng chiếc ghe vừa cập bến, hến thành phẩm sau khi nấu được mang đi… những giấc ngủ muộn lại tìm đến họ sau một đêm dài thức trắng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)