Dùng vỏ chai nhựa phế thải, lốp xe cũ, mùn cưa, thảm mục nhằm tạo ra những công trình để tiết kiệm nước và lớn hơn, bảo vệ môi trường sống.
Ngọc và Phước là đôi bạn thân từ cấp II – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đó là đề án “Sử dụng phế liệu để tiết kiệm nước” vừa đoạt giải nhì quốc gia của hai học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Huế: Hoàng Hữu Phước (lớp 12B3) và Phan Ái Ngọc (lớp 12B5) trong cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” năm 2009 do Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ GD-ĐT, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại VN phối hợp tổ chức.
Từ chuyện nước tràn
“Một lần đi rửa tay tại nhà vệ sinh trường, thấy vòi nước tràn do các bạn quên khóa hay vặn vòi không kỹ, mình chợt nảy ra ý nghĩ tại sao không nghiên cứu đề án tiết kiệm nước nhỉ?”, Ngọc nhớ lại lý do chọn đề tài. Rồi Ngọc chia sẻ ý tưởng đề tài với Phước và nhận sự tán thành của bạn. Ý tưởng đó cũng là tiền đề cho sự ra đời “Vòi nước thông minh”. Hai công trình mới “Bồn xả thông minh” và “Chậu cây thông minh” cũng được các bạn nghiên cứu thành công sau đó.
Cuộc thi chấp nhận tất cả đề án liên quan đến cải thiện nguồn nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, như lọc nước, chống ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nước, bảo vệ và tuyên truyền ý thức… nhưng hai bạn lại quyết định chọn chủ đề tiết kiệm nước cho đề án nghiên cứu của mình.
Phước nói: “Tất cả chủ đề đều rất ý nghĩa, nhưng cả hai đã nghĩ đến tiết kiệm nước vì đây là một thực tế ngay tại trường mình và gia đình. Nó hiện ra trước mắt và tụi mình cảm thấy phù hợp với công việc và lứa tuổi, đặc biệt đề án có thể áp dụng ngay trong trường học”.
Ba công trình tiết kiệm thông minh
Từ quy luật sự dao động và hoạt động của con lắc lò xo cũng như chiếc lò xo, ý tưởng dùng lốp xe cũ có độ đàn hồi được các bạn nghĩ ra. “Tụi mình làm rất đơn giản, chỉ cần một cái nút dính gương (hoặc đinh hay tăm xe), một đoạn dây cao su dài 20cm, rộng 2cm (từ lốp xe cũ cắt ra). Sau khi cố định sợi dây vào giữa cần gạt, xoắn tròn và luồn vòng dây xuống vòi nước, cố định vòng dây với vòi nước, sau khi vặn vòi nước trở về lại ban đầu. Cách làm này áp dụng cho các loại vòi công cộng”, Phước cho biết.
Sau khi “đề án” thấy khả quan, hai bạn đã thử áp dụng tại một số điểm như cơ sở sản xuất bánh kẹo Phước Hưng (9/56 Thái Phiên, TP Huế), Trường THPT Nguyễn Huệ, công viên Nguyễn Văn Trỗi… tất cả đều thu được kết quả tốt.
Công trình “Chậu cây thông minh” đòi hỏi đôi bạn phải tính toán và nghiên cứu kỹ hơn về các số liệu sinh lý của đất và cây. Ý tưởng này được Phước cải tiến từ đề án “Mô hình cung cấp tưới tiêu cho cây lương thực và công nghiệp vùng khô hạn”, mô hình đã đoạt giải 3 quốc gia cá nhân cuộc thi này năm 2008.
Phước cho biết: “Muốn giữ nước cho cây cần phải tạo một lớp đất thảm mục có chức năng giữ nước cho rễ cây, lớp mùn cưa ở phần trên có tác dụng giảm nhiệt và ngăn cản lượng nước bốc hơi”.
“Một lần tới nhà dì thấy trong bồn xả nhà vệ sinh có vài viên sỏi để hạn chế nước xả. Sau thời gian nghiên cứu quy luật mình phát hiện có thể tiết kiệm nước bằng cách dùng một vỏ chai nhựa để vào bên trong bồn xả cùng vài viên sỏi. Khi ấy dung tích nước cần xả sẽ giảm. Vừa hạn chế sự hư hỏng của bồn xả mà còn có thể tiết kiệm nước”, Ngọc nhớ lại ý tưởng sáng tạo của công trình “Bồn xả thông minh”.
Mỗi người một tính cách khác nhau, nhưng khi kết hợp thì đôi bạn này trở thành một bộ đôi hoàn hảo. Cả hai đang cố gắng học tập thật tốt cho hai kỳ thi quan trọng sắp tới. Phước dự định theo học sư phạm văn còn Ngọc lại quyết định theo kinh tế.
PHƯỚC TUẦN / TTO
Bình luận (0)