Nép mình bên đỉnh đèo Sa Mù hùng vĩ, giữa thung lũng Tà Rùng thơ mộng, Trường THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) – ngôi trường có chưa đầy 6 năm tuổi – đang từng bước vượt qua bộn bề khó khăn để khẳng định mình. Không những thế, ngôi trường hiện trở thành điểm sáng về sự sáng tạo trong công tác dạy và học tại một địa bàn vùng sâu thuộc diện đặc biệt khó khăn…
Từ “Thư viện của chúng em”
Học sinh Trường THCS Hướng Việt đang hăng say đọc báo bên “Thư viện của chúng em” tại sân trường
|
“Bạn thân mến! Mình dự định sau khi kết thúc “tuần kiểm tra giữa kỳ” sẽ viết thư để kể cho bạn nghe những điều thú vị tại trường. Tuy vậy, ngay lúc này đây, có một điều “đặc biệt” mà mình không thể không khoe cùng bạn.
Bạn biết không? Đối với học sinh chúng mình, việc tiếp cận thông tin và các kiến thức bổ ích là một nhu cầu không thể thiếu bên cạnh việc học văn hóa. Nhưng do điều kiện còn khó khăn, những quyển sách hay, những tài liệu bổ ích còn chưa đến kịp thì những tờ báo Đội đã trở thành “người bạn thân thiết”,là“ món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với tuổi thơ chúng mình.
Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì sao gọi là “đặc biệt” phải không hở bạn? Điều đặc biệt mình muốn kể ngay bây giờ là liên đội mình vừa xây dựng thành công “Thư viện của chúng em”. Đây là một mô hình thư viện mang thương hiệu của Trường THCS Hướng Việt bạn ạ! Mình có thể tự hào khoe với bạn rằng: Đó là thư viện đặc biệt nhất, độc đáo nhất mà mình từng được biết và ở tỉnh Quảng Trị chỉ có duy nhất tại trường mình thôi. Nếu còn hoài nghi về sự kỳ diệu đó, xin mời bạn ghé thăm Trường THCS Hướng Việt để kiểm chứng nhé!”…
Tò mò xen lẫn đam mê khám phá trước lời giới thiệu đầy hấp dẫn của cô bé Họa My – thành viên CLB Búp măng non của Trường THCS Hướng Việt, chúng tôi tìm về mái trường này.
Gần 9 giờ sáng, đang giờ giải lao giữa hai tiết học, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là trên những chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây xanh, các em học sinh đang chăm chú đọc thông tin trên những tờ Hoa học trò, Mực tím… Một cậu học trò nhanh nhảu khoe: “Trường chúng em bây giờ đã có thư viện rồi, muốn đọc báo gì cũng có. Báo mới hẳn hoi do Tổ chức Tầm nhìn thế giới và Chương trình hỗ trợ miền núi tặng đấy nhé! Không như mấy năm trước, thi thoảng chúng em mới nhận được báo Đội do các bạn miền xuôi gửi tặng. Khi bác bưu điện lên đến đây, tờ báo đó đã được phát hành cả mấy tháng trời rồi”.
“Thư viện của chúng em” ra đời từ năm học 2008, là thành quả sáng tạo của các bạn trong liên đội Trường THCS Hướng Việt. Mô hình thư viện này rất phù hợp với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng cao do vừa thuận tiện vừa không tốn chi phí mua sắm các trang thiết bị. Những chai nước rửa chén đã qua sử dụng và các vỏ chai nước giải khát đã dùng hết được các bạn học sinh tập hợp mang đến trường, gắn lên gốc cây xanh tạo thành những “chiếc tủ” đựng sách báo vô cùng độc đáo. Ưu điểm của loại hình thư viện này là dù sách báo đặt ngoài trời nhưng không sợ bị mưa gió làm ướt, và các bạn học sinh có thể đọc báo Đội ở bất cứ nơi đâu trên sân trường trong giờ ra chơi.
Thầy giáo Hồ Xuân Giã, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ ngày có thư viện này, các em không còn chơi những trò chơi thiếu an toàn như: rượt đuổi, đánh khăng hay ném đá… Thay vào đó, các em chia thành từng nhóm chụm đầu vào nhau cùng đọc và thảo luận những điều thú vị, những kiến thức mới qua các trang báo Đội. Nhờ việc đọc báo mà các em học sinh có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong học tập”.
Đến “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản”
Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng sự nghiệp “trồng người” ở huyện vùng cao Hướng Hóa, năm 2008, lãnh đạo Trường THCS Hướng Việt đã phối hợp với chính quyền xã phát động phong trào “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản”. Dù đời sống của bà con Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Việt còn nhiều khó khăn, song tinh thần ham học luôn được các bậc phụ huynh nêu cao. Nhờ đó, Hướng Việt đã trở thành điểm sáng trong phong trào “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản” nơi vùng cao biên giới.
Đón chúng tôi nơi bậc thang dẫn lên nhà sàn lúc trời vừa sập tối, già làng Vỗ Trung nói như thủ thỉ: “Các con đợi già ở đây mươi phút để già ra Nhà Văn hóa cộng đồng đánh kẻng học tập”. “Đã hai năm nay rồi, cứ 19 giờ 45 phút tối, sau khi ti vi kết thúc chương trình thời sự là già có nhiệm vụ đánh kẻng báo hiệu cho các cháu ngồi vào bàn làm bài tập, trừ ngày thứ bảy”, già làng Vỗ Trung giải thích thêm.
Theo thầy giáo Hồ Xuân Giã, học sinh ở những vùng cao như Hướng Việt sau buổi đến trường thường phải theo bố mẹ lên rẫy kiếm cái ăn. Do đó, việc vận động các em đến trường là rất khó khăn. Từ khi mô hình “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản” ra đời, cùng với sự nhiệt tình của già làng, trưởng bản, các bậc phụ huynh cũng như các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ và tự nguyện thay đổi nhận thức.
Mỗi tối, đúng 19 giờ 45 phút, sau chương trình thời sự, già làng Vỗ Trung – người có uy tín nhất trong cộng đồng – sẽ đánh kẻng báo hiệu học sinh và phụ huynh biết đã đến giờ học bài. Khi đó tất cả gia đình phải nhắc nhở con em mình ngồi vào bàn học. “Thời gian đầu, chúng tôi thường cử giáo viên cùng với các già làng, trưởng bản đến từng nhà kiểm tra, nhắc nhở. Thế nhưng đến nay việc đó đã không còn. Giờ đây, các bậc phụ huynh đã tự nguyện nhắc nhở con em mình học bài một cách nghiêm túc”, thầy giáo Hồ Xuân Giã chia sẻ.
Ngoài “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản”, Trường THCS Hướng Việt còn phát động nhiều phong trào thiết thực và ý nghĩa khác như phong trào “Bản làng em yêu”, “Rác không chạm đất” (chăm sóc đường làng, ngõ xóm sạch sẽ); phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ”, theo đó mỗi thầy cô giáo hoặc những gia đình có kinh tế khá giả sẽ nhận đỡ đầu những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi…
Nhờ sự năng động, sáng tạo trong phương pháp dạy và học, Trường THCS Hướng Việt từ vị trí của một ngôi trường chỉ có 10% học sinh khá, giỏi vào năm học 2005-2006, đến nay tỷ lệ này đã chiếm trên 50%.
Sáu năm – khoảng thời gian chưa dài so với chặng đường hình thành và phát triển của một ngôi trường nơi biên cương Tổ quốc với bao khó khăn thử thách, nhưng với nỗ lực và sáng tạo không ngừng, chắc hẳn trong thời gian tới thầy trò Trường THCS Hướng Việt sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc nâng cao chất lượng dạy và học của mình.
Bài, ảnh: LỆ Phan
Nói về điểm sáng trong công tác dạy và học ở Hướng Việt, ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa cho hay: “Mô hình “Thư viện của chúng em” và “Tiếng kẻng học tập ở thôn bản” ở Trường THCS Hướng Việt là một điểm sáng của giáo dục huyện nhà. Chúng tôi đang phát động nhân rộng mô hình này đến tận các thôn bản trên toàn huyện”. |
Bình luận (0)