Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lương thủ khoa quá… bèo

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ khoa có trở thành thủ lĩnh hay không? Thủ khoa phải trải qua quá trình gì để trở thành thủ lĩnh? Đây là vấn đề được đại điện các cơ sở giáo dục đại học, đơn vị sử dụng quan tâm và đi tìm giải pháp.

“Đứng về mặt cống hiến và phục vụ, tôi chưa khẳng định tài năng của các thủ khoa, nhưng đứng về học tập và rèn luyện thì thủ khoa đáng được tôn vinh, bởi các em đã miệt mài 12 năm đèn sách”, ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thủ khoa Việt Nam, khẳng định tại hội thảo “Để không lãng phí tài năng của các thủ khoa” diễn ra ngày 15/11, tại Hà Nội.
Lương thấp, chèn ép
Đồng ý kiến với ông Hữu Oanh, giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng, cho rằng, thủ khoa hay nhân tài phải qua rèn luyện rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nhiều thủ khoa tốt nghiệp ra trường vẫn phải làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước với mức lương thử việc rất thấp. Với mức lương này, cộng với phụ cấp, tổng thu nhập chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm giá cả leo thang, các thủ khoa không thể yên tâm công tác.
Nên có sự ưu đãi cho các thủ khoa để họ thêm nỗ lực cống hiến.
Ảnh: Như Ý

“Một nghịch lý mà chúng em phải trải qua đó là lương ít nhưng lại đòi hỏi trình độ cao”, thủ khoa đầu ra, giảng viên Nguyễn Ngọc Dũng, bộ môn Địa chất công trình, khoa Địa chất, ĐH Mỏ, chia sẻ.
Phan Anh Thư, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện đang là giảng viên của trường này, cho biết: “Với mức lương hiện nay, em phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ trong 5 – 10 năm nữa”.
Một thủ khoa khác cho biết thêm, khi vào các cơ quan nhà nước, người tài có những ưu tiên nhất định. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đã có sự chèn ép. Bởi thế 800 – 900 thủ khoa đầu ra, nhưng chỉ có 40 – 50 người vào làm cho các cơ quan nhà nước là điều dễ hiểu.

Cần có chế độ đặc biệt
Thủ khoa chỉ là điều kiện đầu tiên, là cái hành trang để giúp cho các bạn SV vào đời một cách thuận lợi hơn. Muốn thủ khoa có điều kiện làm việc tốt, người sử dụng phải tạo môi trường thuận lợi, trả công xứng đáng.
Giáo sư Hữu Nghị đề xuất các doanh nghiệp nên có sự đầu tư ngay từ khi các thủ khoa đang ngồi trên giảng đường ĐH bằng cách tặng học bổng. “Hiện đang có sự đua tranh giữa các doanh nghiệp, người tài sẽ chọn doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện. Trong cơ chế thị trường, mức lương cho người tài cũng cần có chế độ đặc biệt, tương xứng với hiệu suất và hiệu quả công việc”.
Giảng viên Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, không hẳn là tiền lương, hay môi trường làm việc, mà là nhu cầu học cao lên nữa. Nếu có sự gặp nhau giữa nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng và thủ khoa thì mọi việc sẽ dễ dàng.
Về tiền lương, vì có liên quan đến cơ chế, nên không thể thay đổi ngay được. Bởi vậy, trước mắt, trong thời gian ngắn hạn, các doanh nghiệp nhà nước nên có ưu đãi riêng cho thủ khoa. Đơn vị đào tạo cũng có thể thu hút thủ khoa bằng cung cấp các trang thiết bị thí nghiệm miễn phí và có những kỳ nghỉ ngắn ngày.
Theo Thủy Trúc (Đất Việt)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)