Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ với con nhiều hơn để khi học ở trường quốc tế trẻ vẫn giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ
|
Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho phép một số trường quốc tế thí điểm dạy chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, tuy nhiên mỗi tuần phải có thêm khoảng 5 tiết tiếng Việt. Vậy, giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh liệu có làm mất dần khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ ở trẻ? Làm thế nào để trẻ có năng lực ngoại ngữ tốt nhưng tiếng Việt vẫn được giữ gìn và phát huy…
Đó là băn khoăn của các phụ huynh (PH) cho con học trường quốc tế.
Quên… tiếng Việt
Nhiều PH muốn cho con học trường quốc tế bởi môi trường hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, mỗi lớp chỉ có 20-25 học sinh, các em lại được chú trọng vào kỹ năng sống và năng lực ngoại ngữ. Tuy nhiên, không ít PH có con đang học trường quốc tế lại lo lắng về khả năng sử dụng tiếng Việt của con mình. Anh Trần Quốc Tuấn (quận 2) có con đang học lớp 3, cho hay: “Con tôi học trường quốc tế từ mẫu giáo. Tôi rất vui vì cháu còn nhỏ mà trình độ tiếng Anh khá lưu loát. Tuy nhiên, tôi sợ vốn tiếng Việt của cháu bị mai một vì cháu có vẻ không thích nói tiếng Việt, còn khi nói thì luôn xen kẽ giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Những từ ngữ thông dụng như hello, goodbye thì bố mẹ còn hiểu, nhưng những từ ngữ khó hơn thì chúng tôi cũng ngơ ngác nhìn cháu mà thôi”. Còn chị Nguyễn Hải Anh (quận 1) có nỗi lo khác: “Năm nay con tôi vào lớp 1, cháu có triệu chứng bị tăng động giảm chú ý, tôi muốn cho con vào học trường quốc tế để lớp có ít học sinh, giáo viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc hơn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại hình trường quốc tế nên tôi không biết lựa chọn trường nào phù hợp với con mình. Tôi tính cho con vào trường quốc tế Anh nhưng được biết trường này dạy chương trình bằng tiếng Anh. Giao tiếp với môi trường quốc tế hàng ngày, tôi sợ bé quên tiếng Việt”.
Bàn về vấn đề này, một giáo viên làm việc ở trường quốc tế hơn 3 năm (xin giấu tên) chia sẻ: “Thực tế, ở trường quốc tế chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh thì các em chỉ được phép nói tiếng Việt trong 5 tiết học tiếng Việt qua các môn tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên xã hội (lớp 1, 2, 3) và tiếng Việt, lịch sử, địa lý (lớp 4, 5) xen kẽ nhau; còn tất cả các giờ khác, kể cả giờ ra chơi các em đều phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Từ sáng đến chiều học trong môi trường quốc tế, nếu về nhà bố mẹ không dành thời gian nói chuyện thêm với con thì vốn tiếng Việt của các em có thể bị giảm sút”.
Cô Huỳnh Thị Bạch Yến, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) phân tích: “Học ở trường công lập, lớp 1 có đến 10 tiết tiếng Việt/ tuần, các khối khác ở bậc tiểu học là 9 tiết/ tuần, trong đó có những phần như luyện từ, câu, chính tả, tập viết, tập làm văn…, đó là chưa kể hầu hết các môn học khác đều dạy bằng tiếng Việt thì học sinh trường công lập chắc chắn sẽ nghe, nói và hiểu sâu sát tiếng Việt cũng như khả năng dùng từ lưu loát hơn là học sinh các trường quốc tế”.
Cần quan tâm hơn đến trẻ
Việc sử dụng tiếng Việt không lưu loát sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách và phát triển tâm sinh lý của trẻ. Chính vì những lo lắng này mà các trường quốc tế dạy chương trình bằng tiếng Anh như Saigon Pearl, Canada, Anh… đã chú trọng đến việc giữ gìn tiếng Việt thông qua các lễ hội truyền thống của người Việt như rằm Trung thu, Tết Nguyên đán… Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, do đó giáo viên dạy tiếng Việt phải hỗ trợ thêm các em. “Để học sinh yêu tiếng Việt không phải là việc làm quá khó, nếu giáo viên tận tâm tận lực thì chắc chắn sẽ thành công. Ngoài áp dụng những phương pháp mới trong các tiết dạy, giáo viên nên chỉ dẫn cho các em đọc những sách truyện hay của Việt Nam, qua đó các em sẽ thấm nhuần và yêu thích dần dần ngôn ngữ của mình. Ngoài ra, gia đình cũng cần quan tâm, nói chuyện với trẻ bằng tiếng Việt nhiều hơn”, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Quốc tế Canada, chia sẻ.
Nhiệm vụ giáo dục không chỉ của riêng nhà trường mà gia đình cũng tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Gọi điện đến Tổng đài Tư vấn viễn thông TP.HCM, chúng tôi được một chuyên viên tư vấn tâm lý phân tích: “Tiếp xúc với môi trường quốc tế thường xuyên, nói tiếng Anh lưu loát là điều kiện rất tốt để trẻ hòa nhập với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, bất cứ PH nào cũng không hề muốn con bỡ ngỡ khi nói về nguồn gốc của mình. Vì thế, việc rèn giũa thêm về tiếng Việt là rất quan trọng. Ngoài học ở trường quốc tế, PH nên tạo thêm môi trường nói tiếng Việt nhiều hơn cho con như vào ngày nghỉ cho bé tham gia một sân chơi hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, PH cần bớt thời gian cho công việc để tiếp xúc, nói chuyện với trẻ nhiều hơn thì trẻ khó mà quên được tiếng mẹ đẻ của mình”.
Bài, ảnh: Dương Bình
ThS. Nguyễn Hữu Long – giảng viên tâm lý học, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM – cho rằng ngôn ngữ là thứ quan trọng với mỗi quốc gia, mỗi gia đình và mỗi cá nhân. Vì thế việc dạy dỗ và trang bị kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ là điều cần thiết. Chúng ta không phủ nhận tính tích cực trong việc trẻ học tiếng nước ngoài, tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu trẻ đã được chuẩn bị thật tốt về tiếng Việt; khi trẻ nói, hiểu được tiếng Việt thì sẽ dễ dàng tiếp cận với một thứ tiếng khác. Dạy tiếng Việt cũng là dạy về giá trị văn hóa tinh thần, nhân văn cho trẻ nhỏ. |
Bình luận (0)