Hàng trăm ngàn người có thể sẽ tránh được cái chết do bệnh sốt rét nhờ một loại vắc xin mới mà các nhà khoa học đang phát triển.
Ảnh minh họa: Corbis
Vắc xin này được tạo bởi cách nghiên cứu hồng cầu ở các trẻ em Tanzania vì nó có thể kháng được ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Hiện tại đã thử nghiệm thành công trên chuột và chuẩn bị thử nghiệm trên khỉ vào tháng tám năm nay.
Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Jonathan Kurtis tại bệnh viện Rhode Island cho biết nếu thử nghiệm trên khỉ đạt kết quả tốt thì sau 18 tháng sẽ thử nghiệm hạn chế trên người.
Bệnh sốt rét làm chết khoảng 627.000 người mỗi năm, ở các nước châu Phi dù trẻ em có vượt qua được nhờ điều trị tích cực thì cũng để lại những hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên nhiều trẻ em ở Tanzania dường như không ngán ngại bệnh sốt rét được coi là đặc hữu ở nơi này. Vì vậy, hai tiến sĩ Patrick Duffy và Michal Fried đã thu thập dữ liệu qua hàng trăm mẫu máu của các trẻ em ở Tanzania, phân tích và xác định được chính xác một loại protein kháng bệnh.
Loại protein này được định danh là PfSEA-1, thông thường thì chúng giúp ký sinh trùng thoát khỏi hồng cầu để phát triển trên diện rộng rồi gây bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã tìm cách gởi đi các kháng thể đến hệ thống miễn dịch để cơ thể chống lại protein này và “nhốt” các ký sinh trùng trong hồng cầu, không cho chúng lan tràn gây bệnh.
Hai cách tiếp cận hiện tại đối với vắc xin chống sốt rét là ngăn ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào gan hoặc tế bào hồng cầu theo cơ chế phát triển của chúng.
Tiến sĩ Kurtis bày tỏ hy vọng không chỉ phong tỏa protein PfSEA-1 mà còn phối hợp thêm các liệu pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, việc thử nghiệm trên người vẫn còn phải chờ được cấp phép.
Tạ Xuân Quan
(TNO)
Bình luận (0)