Trẻ thay đổi tính cách khi cha mẹ không thường xuyên gần gũi chia sẻ (ảnh minh họa). Ảnh: V.Yên
|
Khi con bước vào tuổi 13-14, không ít phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với con. Họ cảm thấy bức xúc và lúng túng khi trẻ đến giai đoạn thay đổi tâm sinh lý. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
“Bó tay” với con
Hôm rồi, gặp lại chị Hạnh (Q.7), chúng tôi hỏi: “Bé Phương Anh dạo này chắc lớn lắm rồi nhỉ?”. Như “gãi đúng chỗ ngứa”, chị vội vàng xả ra: “Lớn thì có lớn nhưng mà hư lắm. Bây giờ chị “bó tay” với nó rồi…”.
Nghe chị Hạnh nói vậy, chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên. Bởi trước đây, khi còn học tiểu học, Phương Anh rất ngoan – gọi dạ, bảo vâng, lễ phép với người lớn, biết nhường nhịn em nhỏ… Mỗi khi đi đâu, cô bé đều xin phép ba mẹ. Vậy thì vì lý do gì mà bây giờ lại “hư lắm” đến mức chị Hạnh phải “bó tay”.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, chị Hạnh kể: “Từ khi nó lên lớp 7 thì bắt đầu trở chứng. Lúc nào cũng lầm lầm lì lì, đi học về là vào phòng riêng đóng cửa lại. Mỗi khi ba mẹ hỏi chuyện là tỏ ra khó chịu, không muốn trả lời. Đi đâu, làm gì không nói với ai, khi về chị rầy la thì cãi lại…”. Khi chúng tôi hỏi: “Thế có khi nào chị dành thời gian để trò chuyện thân mật với con bé chưa?”, chị trả lời: “Làm gì có thời gian mà trò chuyện thân mật. Ngày thì cha mẹ đi làm, con đi học. Tối, nó bảo học bài rồi đóng cửa ở trong phòng. Thỉnh thoảng chị cũng vào phòng con, nó bảo mẹ ra đi, con phải học bài. Cứ vậy, càng ngày càng không hiểu con. Lâu lâu hai mẹ con lại to tiếng với nhau. Có lúc ông xã bực quá, quát: “Hai mẹ con em cứ như gái lấy chung một chồng vậy. Lúc nào cũng gây nhau được””.
Những phụ huynh rơi vào hoàn cảnh như chị Hạnh không phải là ít. Chẳng hạn như trường hợp cha con anh Thịnh (nhân viên Ngân hàng Đông Á). Chị Thu (vợ anh), kể: “Hai cha con cứ như mặt trăng với mặt trời. Ở đâu có cha thì ở đó không có con và ngược lại. Bởi vì, hai cha con mà ở cùng một chỗ, nói với nhau dăm ba câu là lại thấy cha quát tháo, còn con thì đùng đùng bỏ đi chỗ khác…”. Trước đây, thời điểm Phước (con anh Thịnh, chị Thu) còn là cậu bé, hai cha con rất gần gũi với nhau. Anh Thịnh thường giành phần đưa đón con đi học, về nhà dành thời gian chơi đùa với con. Vậy mà bây giờ, cha con lại xung khắc với nhau như nước với lửa…
Nguyên nhân cũng là do các ông bố, bà mẹ chưa biết cách gần gũi với con cái. Vậy làm sao để thắt chặt mối quan hệ cha mẹ – con cái, để con cái biết nghe lời cha mẹ, cha mẹ hiểu con cái hơn?
Lắng nghe và chia sẻ
BS. Phạm Ngọc Thanh – nguyên Trưởng khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) – cho biết: “Buổi tối, cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe con nói về những sinh hoạt của trẻ, để xem trẻ có cảm thấy thích thú hoặc gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt trong ngày. Phụ huynh đừng chỉ quan tâm đến điểm học của trẻ vì hiện nay áp lực học tập đang là gánh nặng cho học sinh. Phụ huynh nên lưu ý về tính khí và cảm xúc của trẻ. Cụ thể là thường xuyên nói chuyện trực tiếp với trẻ, thay vì nói về trẻ với người khác. Ngoài ra, phụ huynh nên đặt câu hỏi mở, ví dụ: “Hôm nay có những điều gì làm con cảm thấy thích thú?” để trẻ có thể đối thoại với phụ huynh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể tranh thủ thời gian đưa con đến trường hoặc xếp hàng trả tiền trong siêu thị để nói chuyện với con; phụ huynh có thể cùng con tham gia sinh hoạt thể thao, trò chơi, hoặc bàn luận về thời sự, ví dụ như kết quả trận bóng đá hoặc một bộ phim”.
Vậy, phụ huynh nên dùng từ ngữ nào để nói với trẻ vị thành niên?
Theo BS. Phạm Ngọc Thanh:Trẻ vị thành niên thường giao tiếp như người lớn. Trẻ hiểu được ngôn ngữ trừu tượng. Tuy nhiên, giao tiếp không chỉ là dùng và hiểu từ ngữ, mà còn là suy nghĩ về bản thân, các bạn cùng trang lứa và hình ảnh của những người có thẩm quyền. Trẻ muốn sống tự lập và xây dựng nhân thân dựa trên những mẫu gương sống xung quanh các em. Ngoài ra, trẻ bắt đầu quan tâm đến các vấn đề luân lý như tình yêu, tình bạn, tình dục, sự sống, cái chết, thành công, thất bại. Do đó, trẻ cần trao đổi với người lớn về những vấn đề đó.
Với những thay đổi thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì, trẻ vị thành niên có thể trải qua cơn khủng hoảng về nhân thân, tư duy, hành vi và cảm xúc. Phụ huynh nên đồng hành với trẻ như một người bạn để lắng nghe, cảm thông, động viên trong khi vẫn thiết lập giới hạn và kỷ luật hơn là trách mắng, đánh phạt, làm đau thân thể của trẻ vốn rất mong manh trong giai đoạn này. Mọi cách ứng xử bạo lực của người lớn sẽ vô tình làm cho cơn khủng hoảng của trẻ vị thành niên càng trầm trọng hơn. Trên hết, tấm gương sống mẫu mực của cha mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành nhân cách của trẻ vị thành niên.
Bài, ảnh: Kim Anh
Với những thay đổi thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì, trẻ vị thành niên có thể trải qua cơn khủng hoảng về nhân thân, tư duy, hành vi và cảm xúc. |
Bình luận (0)