Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô học trò nghèo lập cú đúp thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Vy và bố
Với tổng điểm 26,5 (địa 10, sử 9,5, văn 7), Lương Thùy Vy, học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng) xuất sắc đoạt danh hiệu thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2013.
Thủ khoa đọc ké sách
Sinh ra trong gia đình có ba mẹ đều là lao động phổ thông, do đó Vy thiệt thòi hơn so với nhiều bạn bè cùng trang lứa. “Ngoài thời gian lên lớp, về nhà bỏ cặp sách xuống là cháu lao vào phụ ba mẹ lo cơm nước, giặt giũ, quán xuyến việc nhà. Chúng tôi suốt ngày quần quật chạy chợ, làm thuê nên cũng không có thời gian chăm lo cho con, nhiều khi nhìn con người ta được nâng niu mình cũng thương con lắm nhưng vì mưu sinh…”. Ngừng giây lát, bà Trương Thị Phương Mai (mẹ Vy) cho biết thêm: “Con đến trường suốt 12 năm nhưng chả mấy khi tôi lo cho nó có sách vở đầy đủ. Phần nhiều là đi mua sách cũ hoặc con tự mượn bạn bè”.
Thông thường, cái nghèo đôi khi kéo con người ta đi vào ngõ cụt, hoặc khiến nhiều người rẽ bước bỏ ngang đường học hành để chọn cho mình một con đường tắt phục vụ kế mưu sinh. Thế nhưng, đối với Vy, em vẫn quyết tâm tới trường chinh phục tri thức. Con đường Vy đi hẳn có nhiều khó khăn hơn các bạn khác nhưng em vẫn luôn chứng tỏ mình là người có đủ bản lĩnh vững vàng đi lên. Điều đáng khâm phục là em gần như không đi học thêm. Vy kể: “Năm học lớp 11, em thấy cần củng cố môn toán nên xin ba mẹ đi học thêm môn này nửa năm, sau đó thấy ổn thì em nghỉ”. Quan điểm của em là kiến thức phải bắt đầu từ sách giáo khoa. Khi nắm vững các điều cơ bản rồi em mới tìm đến hiệu sách. Ở đây em toàn đọc ké vì không có tiền để mua. Cứ tranh thủ giờ nghỉ hoặc lúc tan học sớm, em tạt qua nhà sách kiếm vài cuốn cần thiết rồi chọn một góc ngồi đọc. Các anh chị bán sách quen mặt nên cũng trù trừ cho em đọc thoải mái. Thi thoảng thấy những vấn đề cần thiết, em lại lùng mua sách cũ bên lề đường về tự học. Điều gì chưa hiểu, em trao đổi với bạn rồi hỏi thầy cô. Vy bảo: “Nhà nghèo nên em nghĩ không nhất thiết sách gì cũng mua. Chỉ cần có sách giáo khoa là đủ. Ngoài ra các loại sách tham khảo em có thể đọc ké của bạn, của nhà sách miễn sao thu được kiến thức phục vụ cho học tập”. Bằng sự nỗ lực đó, suốt 12 năm tới trường, Vy luôn là niềm tự hào của ba mẹ, thầy cô và bạn bè bởi bảng thành tích học tập xuất sắc. Điểm đáng khâm phục ở Vy là dù theo khối xã hội nhưng em học rất giỏi các môn tự nhiên. Khi được hỏi về sự lựa chọn, Vy cho biết khi chọn theo khối C em cũng phân vân lắm. Từ năm học lớp 8, cô giáo dạy sử đã động viên em vào đội tuyển học sinh giỏi sử của trường. Năm đó em đã đạt giải cao. Rồi dần dần từ cảm mến cô giáo đến yêu môn sử lúc nào không hay.
Vy nghĩ, dù tự nhiên hay xã hội, miễn học giỏi, có kiến thức sâu rộng để phục vụ xã hội đều có ích. Đó là chưa kể, con người sinh ra có nguồn gốc, có truyền thống lịch sử, văn hóa. Nếu ai cũng lãng quên lịch sử thì coi như mất gốc. Và em đã chọn sử – chọn cái khó nhưng là niềm tự hào của người con mang trong mình dòng máu Việt.
Quyết tâm sẽ thành công
Đó là kinh nghiệm của Vy trong học tập và thi cử. Năm học lớp 12, Vy đạt giải ba môn lịch sử trong kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Huế nhưng em tâm sự với ba mẹ là muốn thử sức học của mình. Thương con, ba mẹ gật đầu đồng ý. Theo đó, kinh phí vào TP.HCM để dự thi vào trường luật cũng phải chi tiêu chắt bóp lắm mới đủ cho chuyến đi.
Bí quyết học của em là đối với các môn xã hội, trước hết phải nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên liệu, còn việc chế biến hay vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, vào việc giải bài tập lại là một việc khác. Để giải được bài tập thì cần nhất là nắm được phương pháp, định hướng nội dung mà đề yêu cầu, cần xoáy vào trọng tâm của đề, từ đó vận dụng những kiến thức đã học vào bài làm.
Vy chia sẻ: “Trong những năm qua, đề thi xã hội mang tính mở cao, do đó khi làm bài cần biết liên hệ với thực tiễn xã hội để tạo điểm nhấn và nâng cao chất lượng bài làm. Tuy nhiên cần biết chừng mực, không nên quá sa đà vào những gì mình biết mà xa rời nội dung đề yêu cầu. Trong quá trình học bài, em thường vừa đọc vừa viết ra giấy…”.
Chọn khối C, Vy cho rằng, đây không phải là khối học thuộc, chỉ cần đọc sách vở rồi nhớ như nhiều người hiểu lầm, mà việc hiểu bài và vận dụng kiến thức mới quan trọng. Nói về lý do chọn ngành luật, em cho rằng đây là ngành phù hợp với khối thi của em và nhu cầu của xã hội. Và mong muốn của em là trở thành luật sư giỏi để cống hiến cho xã hội.
Rời căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Trần Cao Vân (TP.Đà Nẵng), chúng tôi vui lây niềm vui của ba mẹ Vy: “Năm nay vợ chồng tôi có nhiều niềm vui lắm. Vui nhất là con gái đỗ đúp thủ khoa làm gia đình nở mày nở mặt với bà con chòm xóm, thứ nữa là vừa rồi gia đình tôi sau nhiều năm vất vả cũng thoát được diện hộ nghèo!”.
Ngọc Anh
Ngoài danh hiệu thủ khoa Trường ĐH Luật, trước đó Lương Thùy Vy đã đỗ thủ khoa kì thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng và từ chối suất tuyển thẳng vào ĐH để tham dự kì thi ĐH, CĐ 2013. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)