Sự kiện giáo dụcTin tức

Đào tạo giáo viên tiểu học: “Đổi gió” chương trình để hút người học

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên dạy tiết Anh văn tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM).
 Ảnh: N.Trinh

Đa dạng đối tượng đầu vào khiến cho việc liên kết đào tạo giáo viên tiểu học (hệ vừa làm vừa học) gặp không ít khó khăn…
Chưa toàn tâm toàn ý
ThS.Hoàng Trường Giang (Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, mô hình liên kết dành cho hệ đào tạo vừa làm vừa học tại khoa đã được nâng cao cả lượng và chất. Đối tượng tuyển sinh cũng được mở rộng, không chỉ là những học viên đã có bằng CĐ, TC sư phạm tiểu học (giáo viên đang dạy tại các trường tiểu học) còn có những người đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác hoặc tốt nghiệp THPT. Theo ThS.Giang, những giáo viên đang dạy tại các trường tiểu học tiếp cận nhanh nhạy với các nội dung chuyên môn nhưng lại thiếu thời gian đầu tư do còn bị chi phối bởi công tác ở đơn vị. Ngược lại, những học viên tốt nghiệp ĐH chuyên ngành, THPT thoáng về thời gian nhưng lại gặp hạn chế trong việc tiếp cận chương trình đào tạo. Nếu so sánh với hệ chính quy, hoạt động đào tạo cho hệ vừa làm vừa học càng bộc lộ những hạn chế. ThS.Nguyễn Minh Giang (giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích, sinh viên chính quy thường đồng đều về nhận thức, tuổi tác, kinh nghiệm sống và khả năng lĩnh hội kiến thức mới nên việc thiết kế, triển khai chương trình đào tạo được thực hiện chung. Trong khi đó, chương trình giảng dạy phải rất cân nhắc khi thiết kế cho phù hợp từng đối tượng đối với hệ liên kết đào tạo do học viên rất “chênh” nhau ở trình độ, tuổi tác… Chỉ đơn cử ở vấn đề tài liệu, sinh viên chính quy thường đảm bảo việc đọc tài liệu, thảo luận nhóm dễ dàng. Thông tin các em thu thập phục vụ chủ đề cũng đa dạng, góc nhìn, cách lập luận phong phú. Trong khi yêu cầu này không được đáp ứng bởi học viên các lớp liên kết đào tạo, người học chủ yếu chỉ “bám” tài liệu chính các môn học. TS.Nguyễn Thị Liên Tâm (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận) cũng nêu thực trạng, các giáo viên tiểu học rất có tinh thần học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên, trình độ học viên đa phần là trung cấp, không tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, tri thức mới. Trong khi đó, điều kiện kinh tế gia đình không đảm bảo đủ kinh phí đi học xa, phần đông lớn tuổi, vướng bận gia đình… nên chưa toàn tâm toàn ý cho học tập.
Cần “đổi gió” cho chương trình

Giờ học tiếng Việt tại Trường TH Bình Trị 1, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: H.Triều

Để tạo hứng thú cho người học, nhiều ý kiến đề cập việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ. Theo các ý kiến này, một trong những nguyên nhân làm cho liên kết đào tạo chưa hút người học nằm ở chương trình đào tạo. ThS.Trần Hoàng (Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhấn mạnh: “Với giáo viên tiểu học, ngoài việc trang bị các kiến thức đáp ứng chuẩn đào tạo theo chương trình dạy học ở tiểu học của Bộ GD-ĐT còn cần nhiều kiến thức và kỹ năng mềm khác nhằm chuẩn bị được tâm lý vững vàng, tự tin và sẵn sàng đối mặt với các vấn đề phát sinh trong thực tế. Các học phần đào tạo cho học viên hệ liên kết đào tạo hiện đang tuân theo một cái khung cứng nhắc và áp đặt, toàn bộ học viên đều được trang bị kiến thức giống nhau từ các học phần giáo dục đại cương đến giáo dục chuyên nghiệp. Học viên không có quyền lựa chọn cho việc phát triển kỹ năng mềm do không có chương trình đào tạo”. Hệ quả, theo so sánh của ThS.Hoàng, giống như các nhà máy đồng loạt sản xuất những sản phẩm y chang nhau từ hình thức đến nội dung; chưa nhấn được vào điểm mạnh cũng chưa cải thiện được điểm yếu của người học. Khi chuyển đổi, hệ thống tín chỉ cho phép học viên chủ động lựa chọn các học phần, không nhất thiết là các kiến thức khoa học cơ sở ngành, chuyên ngành mà mở rộng ra cả mảng tri thức liên quan đến cuộc sống, sự phát triển của xã hội… Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi này rất cần có thời gian.
Giảm sĩ số lớp học cũng là một vấn đề gây “đau đầu” và cần giải quyết đối với hoạt động đào tạo. Một đại diện Trường CĐ Bến Tre đề cập hướng tăng học phí nhằm giảm bớt sĩ số lớp, bởi chiêu sinh ít thì không đủ kinh phí đào tạo, tổ chức lớp quá đông lại gây khó cho việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Thực tế, có những lớp tập trung đến gần 200 em trong khi theo các nhà giáo dục, hiệu quả nhất khi sĩ số lớp không nên vượt con số 100. “Đối với những lớp có sĩ số lớn, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực cũng như rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học gần như là một nhiệm vụ bất khả thi”, ThS.Đỗ Thị Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm.
Mê Tâm
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Ngọc Điệp cho biết, hiện thành phố rất thiếu giáo viên đại trà đồng thời đề nghị Trường ĐH Sư phạm và cả Trường ĐH Sài Gòn tăng chỉ tiêu đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố trong vòng bốn năm tới. Cũng theo ông Điệp, việc đào tạo giáo viên hiện nay rất cần được hiện đại hóa.
 

Bình luận (0)