Trẻ 5 tuổi học chữ trước tuổi (ảnh chụp tại một cơ sở văn hóa ngoài giờ thuộc P.12, Q.Gò Vấp). Ảnh: H.Triều
|
Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết Nguyên đán là các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lại ráo riết tìm chỗ luyện chữ cho con. Để “bắt nhịp” với phụ huynh các câu lạc bộ (CLB) hành trang vào lớp 1, các lò luyện cũng lần lượt ra đời.
“Ăn bớt” giờ học mầm non
Hơn 16 giờ chiều mới là giờ đón trẻ tại các trường mầm non (MN) của Hà Nội nhưng từ 15 giờ đã có nhiều phụ huynh đến đón con với lý do “ăn bớt” giờ học lớp MN để theo học lớp luyện chữ. Theo cô Hiệu trưởng Trường MN Đồng Tâm (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), tình trạng trẻ MN nghỉ học và không đi học đều từ sau Tết đến nay để đi học chữ trước khi vào lớp 1 là có thật. Thực trạng này khiến trường dở khóc dở cười. Cô Hiệu trưởng cũng cho biết ở trường có những trẻ nghỉ học hẳn nhưng có những trẻ không đi học chuyên cần. Có mấy hình thức như: Một số trẻ chỉ đến lớp buổi sáng, buổi chiều được cha mẹ đón đi học chữ; một số trẻ đến buổi chiều được cha mẹ đón sớm; một số trẻ thì chỉ đi học 1 hoặc 2 buổi/tuần, số buổi còn lại nghỉ học để đến lớp học chữ. Theo quy định, lớp mẫu giáo 5 tuổi phải đi học 22 ngày/tháng, không được nghỉ quá 10 buổi/tháng. Bởi theo chương trình phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, trẻ phải hoàn thành chương trình học để kết thúc năm học sẽ có chứng chỉ phổ cập MN 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Cô Hiệu trưởng này còn cho biết, yêu cầu đối với trẻ MN trước khi vào lớp 1 là làm quen với chữ cái, làm quen tư thế cầm bút… chứ chưa yêu cầu phải viết chữ và ghép chữ để đọc thành thạo. Kỹ năng này sẽ được học khi các cháu vào lớp 1. Tuy nhiên, tình trạng cho con nghỉ học ở MN để đến lớp luyện chữ vẫn diễn ra. Ngay từ đầu năm học và trong những buổi họp phụ huynh, nhà trường đã nói rõ về những kiến thức các cháu cần tiếp thu ở độ tuổi này và cũng cảnh báo về việc không nên cho trẻ luyện chữ nhưng nhiều phụ huynh vẫn cứ cho con bỏ lớp MN đi luyện chữ. Phải cố gắng lắm mức độ đi học chuyên cần của trẻ tại trường mới đạt được hơn 80%.
Thực trạng này diễn ra không chỉ ở Trường MN Đồng Tâm mà còn ở nhiều trường MN khác trên địa bàn Hà Nội. Qua tìm hiểu thì được biết, hiện nay, tình trạng giảm sút sĩ số ở lớp mẫu giáo 5 tuổi diễn ra ở nhiều trường MN công lập: MN Bách khoa (Q.Hai Bà Trưng), MN Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy), MN Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân)… Theo khảo sát của phòng GD-ĐT các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng thì hiện nay số học sinh đi học chuyên cần ở lớp mẫu giáo 5 tuổi chỉ đạt 70-80%.
Nở rộ lò luyện, lớp luyện
Trên website chính thức của mình, Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long Bill Gates (lô X1, khu đô thị Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) có thông báo tổ chức CLB Hành trang vào lớp 1 khóa I năm 2012. Trong đó, một trong những mục đích của CLB này là các hoạt động vui chơi có định hướng giúp học sinh hứng thú với việc làm quen chữ cái, tư duy con số và hình học, khám phá ngôn ngữ mới là tiếng Anh và các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao khác. Từ đó, các em có được sự hấp dẫn của lớp 1. Học phí sinh hoạt và chăm sóc bán trú của một khóa là 2,2 triệu đồng (3 tháng/khóa, mỗi tháng 4 buổi, mỗi khóa học sinh tham gia 12 buổi), tiền ăn là 480.000đ/khóa, tiền học phẩm là 100.000đ/khóa. Đó là chưa kể chi phí đưa đón (nếu phụ huynh có nhu cầu).
Dù có quy định cấm các trường tiểu học, trường MN dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 nhưng hình thức mở lớp luyện chữ tại nhà một số giáo viên tiểu học hay ở các trung tâm luyện chữ đẹp vẫn đang diễn ra xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh. Nhiều phụ huynh rỉ tai nhau ở một số trường tiểu học như: Lê Quý Đôn, Ban Mai, Quốc tế Thăng Long… mở các CLB tại trường với những cái tên như: “CLB Trẻ thơ”, “CLB Hành trang vào lớp 1”… trong đó vẫn dạy trẻ học chữ. Hay như một số điểm thu hút được sự chú ý của nhiều phụ huynh ở Q.Cậu Giấy là lò luyện vào lớp 1 của một giáo viên của Trường Tiểu học Dịch Vọng B. Lớp học này được đặt tại Trường MN Ban Mai với số trẻ tính tới đầu tháng 4 lên đến 60 trẻ. Mỗi tuần lớp chỉ học 1 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng với số tiền là 110.000 đồng/buổi. Thời gian học sẽ được tăng tốc lên 2 buổi/tuần bắt đầu từ cuối tháng 5. Lớp luyện chữ vào lớp 1 tại phố Chùa Bộc của một giáo viên đã nghỉ hưu nhưng lại rất có tiếng đối với phụ huynh…
Luyện chữ vào lớp 1 xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh. Ngành giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp để “ngăn chặn” tình trạng này nhưng thực tế vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Nói là xuất phát từ phụ huynh nhưng đúng ra phải nói đến cả nguyên nhân từ giáo viên và tình trạng quá tải tại các trường công hiện nay của Hà Nội cũng như các thành phố lớn. Nếu không quá tải, lớp học chỉ 30 học sinh thay vì 55-60 như hiện nay thì có lẽ, giáo viên có nhiều thời gian dạy cho học sinh hơn.
Thiên Lam
Huy động trẻ ra lớp không đạt vì học chữ trước tuổi
Tại TP.HCM, tình trạng trẻ đi học chữ trước cũng diễn ra khá rầm rộ. Nhiều hiệu trưởng trường mầm non thừa nhận, trong trường có không ít trẻ lớp lá (5 tuổi) được cha mẹ cho đi học chữ trước. Có trẻ lớp lá viết chữ đẹp như học sinh lớp 1, lớp 2. Còn tại các cơ sở văn hóa ngoài giờ, các lớp dạy thêm, luôn luôn có sự góp mặt của những học viên “nhí” này.
Sở dĩ, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ở TP.HCM ra lớp không đạt 100%, một phần không nhỏ là do tâm lý “cầm đèn chạy trước ô tô” của phụ huynh. Họ cứ lo con mình không đi học chữ trước thì khi vào lớp 1 sẽ thua bạn, sẽ là học sinh kém… Q.Phú Nhuận là địa phương rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp chỉ đạt 99,33%. Số còn lại, “do gia đình khá giả nên phụ huynh thuê giáo viên về nhà dạy cho trẻ”, ông Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận khẳng định. Hay như ở Q.5, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi chỉ đạt 99,6% mà không phải là 100% mặc dù quận có dư chỗ học cho trẻ. Bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT quận đưa ra lý do là: “Phụ huynh không cho trẻ đi học ở trường mà đưa đi học chữ trước”…
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ trẻ 5 tuổi trên địa bàn TP.HCM, nhất là các quận trung tâm và quận ven đi học chữ trước có thể lên tới 60%. Bằng chứng là số trẻ lớp lá ở các trường mầm non biết đọc, biết viết rất nhiều.
ThS. Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 các bé sẽ bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sự bỡ ngỡ đó sẽ là động cơ giúp bé khám phá, có hứng thú trong học tập. Còn những bé học trước, khi vào học sẽ luôn có cảm giác cái này học rồi nên tỏ ra lơ là, thậm chí là chán học. Đến phần chưa được học trước, bé sẽ rất khó khăn và không biết phải bắt nhịp với các bạn trong lớp như thế nào.
H. Triều
|
Bình luận (0)