Có thể nói, con đường vào các trường đại học, cao đẳng dường như là mục tiêu duy nhất của đa số học sinh hiện nay. Nhưng trong hơn một triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm thì chỉ có xấp xỉ 280.000 thí sinh đậu đại học, cao đẳng. Số còn lại đi đâu, làm gì? Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng này bắt nguồn từ việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh chúng ta vẫn còn xem nhẹ.
Học sinh thành thị học trồng rau, nuôi cá (?!)
Việc phân luồng học sinh sau bậc học THCS ở các nước phát triển được xem là xuất phát điểm quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế. Chẳng hạn ở Singapore, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp, vào các trường đại học, cao đẳng chỉ chiếm 35% còn lại là phân luồng vào các trường dạy nghề. Tỉ lệ học sinh được phân luồng sớm vào học trong các trường dạy nghề và có thể lập nghiệp từ nghề mà mình theo học ở Trung Quốc là 60%, ở Thụy Sĩ là 70% trong khi ở Việt Nam chỉ có 10% học sinh. Điều này cho thấy công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT ở nước ta chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, khung chương trình hướng nghiệp cho học sinh của các trường THCS được dạy theo tháng, mỗi tháng hai lần. Tuy nhiên, nội dung hướng nghiệp trong các trường THCS chưa thật phù hợp với học sinh ở từng địa phương. Cụ thể như trong chương trình hướng nghiệp THCS có bài dạy về cách nuôi cá, trồng rau. Nội dung này không sát với học sinh ở khu vực thành thị. Theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, học sinh THCS được học nghề từ cuối năm lớp 8. Ngoài ra, học sinh còn được học hai môn công nghệ và hướng nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của các môn học này còn có những điểm tương đồng, thậm chí còn chồng chéo lên nhau. Điều đáng nói là, có rất ít học sinh THCS sử dụng những kiến thức thu nhận được từ việc học nghề trong nhà trường để có thể lập nghiệp trong tương lai. Đa số học sinh đều mong muốn học lên THPT và sau đó sẽ cố gắng thi vào một trường đại học, cao đẳng nào đó. Những học sinh có học lực yếu cũng bằng mọi cách để theo học lên THPT hệ ngoài công lập. Việc học nghề vì thế dường như chỉ để biết, mang nặng tính hình thức, đối phó, chủ yếu là để lấy chứng chỉ nghề nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xét tuyển lên bậc học cao hơn.
Công tác hướng nghiệp chưa coi trọng
Đối với bậc THPT, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Chất lượng dạy nghề còn nhiều yếu kém, bất cập. Chương trình học nghèo nàn, cả người dạy và người học phần lớn đều không cảm thấy hứng thú. Người dạy thì do sức ép từ trách nhiệm được phân công mà phải lên lớp. Trong khi đó, người học đến lớp học nghề phần lớn chỉ vì để có chứng chỉ nghề, từ đó được cộng điểm ưu tiên trong kì thi tốt nghiệp THPT. Công tác tổ chức thi nghề hàng năm chưa được quan tâm, chú trọng, chất lượng hiệu quả chưa cao. Trong công tác hướng nghiệp, nhiều học sinh còn ngộ nhận về khả năng, năng lực của bản thân. Hầu hết học sinh không có nhiều thông tin về ngành nghề. Điều này càng phổ biến hơn đối với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác hướng nghiệp được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, các giờ chào cờ hay trong buổi phổ biến, hướng dẫn học sinh viết hồ sơ đăng kí dự thi là chưa đủ. Mặt khác do số lượng học sinh ở các trường THPT khá lớn nên nhà trường khó có thể đáp ứng hết được những thắc mắc, nguyện vọng của học sinh.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến khiến cho công tác phân luồng hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập là tâm lí “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn khá phổ biến trong đại bộ phận phụ huynh và học sinh. Chương trình dạy nghề trong các trường phổ thông nhìn chung còn mang nặng tính lí thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo. Do đó, tình trạng dạy “chay”, học “chay” là khá phổ biến. Điều này đã tạo cho học sinh tâm lí bị động, không có hứng thú đối với các tiết học nghề. Bên cạnh đó, hiện nay, việc bố trí giáo viên chuyên trách dạy nghề và làm công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông gặp rất nhiều khó khăn. Các giáo viên bộ môn vật lí, kĩ thuật, sinh học thường được phân công dạy nghề. Trong khi đó, gánh nặng của công tác hướng nghiệp thường được đặt lên vai của giáo viên chủ nhiệm lớp và tổ chức Đoàn Thanh niên.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh đất nước đang từng bước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang rất cần một nguồn nhân lực có tay nghề, kĩ thuật thì cổng trường đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất. Muốn vậy, cần khắc phục tâm lí “thích làm thầy hơn làm thợ” trong phụ huynh, học sinh. Công tác phân luồng học sinh vào các trường dạy nghề cần phải được chú trọng ngay từ bậc THCS. Chất lượng dạ và học nghề phải được nâng cao từ sự đổi mới về chương trình học tập, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, công tác thi, kiểm tra… Nhất là phải có một đội ngũ giáo viên chuyên trách được đào tạo chuẩn. Bên cạnh đó, các trường phổ thông cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp học sinh hiểu rõ hơn về năng lực, sở thích của bản thân từ đó có thể lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp nhất. Đó cũng là biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực đào tạo không đáp ứng nhu cầu của xã hội.
BÙI MINH TUẤN
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)
Bình luận (0)