Phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy theo đường hướng “Lấy người học làm trung tâm” (Learner -centered) thực sự là phương pháp giảng dạy “thân thiện” với người học vì người ta quan niệm người thầy chỉ là người tổ chức và trợ giúp hoạt động tiếp thu kiến thức cho học trò. Người thầy chỉ đóng vai trò là người gợi mở và bổ sung thêm những điều các em chưa biết, chưa rõ và hiểu chưa đúng mà thôi. Học trò thực sự là nhân vật trung tâm trên lớp học. Họ có thể lựa chọn kiến thức và phương pháp học phù hợp với mình. Người thầy là người nêu vấn đề và cùng học trò tranh luận cho tới khi học trò hiểu thấu đáo vấn đề đó. Học sinh có thể được thầy cô bộ môn giao cho các bài tập làm chung theo nhóm để các em có cơ hội cùng nhau chia sẻ và đóng góp kiến thức của cá nhân mình cho nhóm. Người thầy cũng có thể nêu trước vấn đề và cho học trò về nhà tự nghiên cứu từ sách giáo khoa và sách tham khảo khác về vấn đề đó để đến buổi học trên lớp sau đó học trò thảo luận và tranh luận với nhau trong cặp và trong nhóm. Việc tranh luận đó sẽ giúp các em hiểu sâu hơn và nhớ nhanh hơn vì các em được tiếp thu kiến thức một cách chủ động, thoải mái. Phương pháp giảng dạy này đã tạo nên nhu cầu tự học tự nghiên cứu bên ngoài lớp học và rèn luyện cho người học thói quen đào sâu suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Dần dần học trò sẽ hình thành thói quen suy nghĩ một cách chủ động, độc lập sáng tạo và biết chia sẻ những suy nghĩ của mình với người khác.
Kiểm tra học sinh
Với việc đánh giá kết quả học tập học sinh theo các mức khá, giỏi, trung bình, yếu, kém thông qua tổng kết nhiều loại bài kiểm tra như bài kiểm tra 15 phút, một tiết, hai tiết, bài kiểm tra học kỳ và cuối năm hiện hành ở các trường phổ thông hiện nay đã tạo nên quá nhiều sức ép đối với người học. Đối với những học sinh thông minh và có trí nhớ tốt thì chịu ít sức ép hơn. Những học sinh này thường được thầy cô bạn bè đánh giá cao. Những học sinh học kém hơn thường chiếm số đông sẽ mặc cảm, xấu hổ với kết quả kém và có thái độ ganh đua và thậm chí là ganh ghét với học sinh có điểm kiểm tra cao hơn. Điều này đã làm xấu đi mối quan hệ giữa nhiều học sinh trong lớp.
Để có phương pháp kiểm tra thân thiện hơn mà vẫn đánh giá đúng học lực và khuyến khích học sinh tự vươn lên trong học tập chúng ta cần phân biệt hai loại hình kiểm tra: kiểm tra đánh giá sự tiến bộ và kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Các bài kiểm tra 15 phút, một tiết hay hai tiết trong một học kỳ chỉ nên mang tính chất đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Kết quả các bài kiểm tra đó là điều kiện để học sinh thi học kỳ và cuối năm. Điểm số và những nhận xét chi tiết, cụ thể về sự tiến bộ học sinh, những phần kiến thức còn yếu và cách thức khắc phục cần thông báo riêng tới từng học sinh thông qua thư riêng hay qua thư điện tử cho phụ huynh và học sinh biết để tránh sự mặc cảm và xấu hổ cho học sinh với các học sinh khác. Chỉ một mình học sinh đó biết mình nắm được cái gì, còn thiếu cái gì để có hướng phấn đấu và tự ganh đua với… chính mình để kết quả cuối năm tốt hơn. Loại hình kiểm tra thứ hai là kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Nó được thực hiện cuối kỳ và cuối năm để đánh giá kết quả học tập sau quá trình học tập sau một học kỳ, một năm hay cả khóa học. Kết quả cần được thông báo riêng cho học sinh và ghi vào học bạ học sinh và chỉ nên công khai khi học sinh đó tốt nghiệp, kết thúc khóa học.
Trần Mạnh Trung (Thanh Hóa)
Bình luận (0)