Theo tôi, để giáo dục phát triển thì việc đổi mới công tác quản lý là cần thiết. Trước hết người quản lý cần có nhận thức về công tác đổi mới để đưa nhà trường phát triển một cách toàn diện, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Mạnh dạn thay đổi những cách làm cũ đã lỗi thời không còn phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Do đó, những tình huống trong đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI rất thiết thực cho các nhà quản lý – hiệu trưởng nhà trường phổ thông xem lại mình để sửa đổi, để hoàn thiện.
1. Đối với hiệu trưởng A, ông là người quá nhiệt tình, quá ham công tiếc việc nên việc gì ông cũng xắn tay áo lao vào làm. Trong khi đó trong nhà trường các bộ phận đều có nhiệm vụ của họ. Như việc chào cờ đầu tuần là việc của tổng phụ trách, việc tập văn nghệ là nhiệm vụ của ban văn thể, thăm lớp dự giờ là nhiệm vụ của tổ trưởng và hiệu phó chuyên môn… Hiệu trưởng chỉ góp phần nhỏ trong những công tác này, đó là chỉ đạo góp ý thêm nếu có gì đó còn sơ sót. Chính vì hiệu trưởng làm quá tốt mọi việc nên giáo viên cũng như các bộ phận khác họ chẳng biết làm gì, cũng chẳng cần suy nghĩ hay tìm biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Vì vậy họ yên tâm làm những công việc khác ngoài chuyên môn và khi không có ông thì mọi việc rối tung lên do họ không biết giải quyết ra sao vì thường ngày hiệu trưởng đã giải quyết hết, không phải nhiệm vụ của họ. Điều này làm cho giáo viên, công nhân viên trong nhà trường ỷ lại, phong cách làm việc tà tà, lè phè, chờ ngày lãnh lương, không lo gì cả. Như vậy thì nhà trường có phát triển được chăng?
2. Ông hiệu trưởng B thì ngược lại giao việc hoàn toàn cho mọi bộ phận, không nhúng tay vào việc gì chỉ ung dung ngồi uống nước trong phòng, hoặc rảnh rỗi ngồi chơi game trên máy vi tính. Như vậy ông quá quan liêu, không quan tâm đến các bộ phận xem họ thực hiện nhiệm vụ được giao có hiệu quả không? có gặp khó khăn trở ngại gì không? Ông chỉ có nhiệm vụ nhận báo cáo và ký duyệt giấy tờ. Trong lúc chào cờ hiệu trưởng cũng nên có mặt từ đầu giờ để quan sát các em, sau đó hiệu trưởng nhận xét mọi hoạt động trong tuần mới chứng tỏ được sự quan tâm của ban giám hiệu, đồng thời hiệu trưởng còn cùng các em hát quốc ca nữa. Ở đây ông hiệu trưởng B đợi giới thiệu danh xưng ông mới thủng thẳng bước ra. Liệu những người quản lý xa rời quần chúng như ông có đưa nhà trường tốt hơn không?
Qua sự phân tích trên tôi nhận thấy cả hai hiệu trưởng A và B đều chưa đạt yêu cầu đổi mới trong quản lý giáo dục. Một hiệu trưởng tốt là người có năng lực lãnh đạo giỏi chuyên môn, việc gì cũng làm được. Nhưng điều quan trọng là hiệu trưởng biết chỉ đạo, biết phân công cho từng bộ phận, từng cá nhân tùy theo năng lực chuyên môn, sở trường của người đó. Đồng thời hiệu trưởng phải theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ để từng cá nhân phát huy được những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm. Không ôm đồm như hiệu trưởng A, cũng không vô tình như hiệu trưởng B – hiệu trưởng là người lãnh đạo biết lắng nghe chia sẻ và luôn hòa đồng, gần gũi với mọi người. Hiệu trưởng không lấy uy của mình để chèn ép trù dập giáo viên, công nhân viên mà phải đối xử công bằng với mọi thành viên trong nhà trường. Từ đó mọi người mới tôn trọng kính nể mình.
Phan Thị Minh Thi
(Trường Tiểu học An Phước, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)