Một tiết dạy môn toán của cô Võ Thị Sơn Hà tại Trường THCS Đống Đa, Bình Thạnh
|
Những giờ dạy toán bằng hệ thống Activboard của cô Võ Thị Sơn Hà, giáo viên (GV) Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) rất lý thú và kịch tính khiến cho học sinh (HS) trong trường luôn mong đến giờ học. Không chỉ dạy ở trường, cô Hà còn được Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT mời thực hiện các buổi thao giảng để các đồng nghiệp trao đổi, rút kinh nghiệm.
Hình ảnh trực quan, sinh động
Được dự một tiết học về hình vuông, chương 1 ở lớp 8 của cô Hà, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một buổi học mà ở đó, bằng những công cụ của công nghệ thông tin, HS được chủ động phát biểu, làm bài tập ngay trên các hệ thống máy tính trong tâm trạng hết sức vui vẻ, thoải mái.
Ngay khi vào lớp chào hỏi HS xong, cô Hà đã bắt đầu bài học mới bằng việc kiểm tra bài cũ. Cô cho ví dụ về một hình tứ giác có độ dài cạnh AB = BC và “nhờ” HS chứng minh tứ giác đó vừa là hình thoi vừa là hình chữ nhật. Những cánh tay giơ lên, nhiều HS phát biểu ý kiến và qua đó phát hiện ra đó là hình vuông. Cô Hà cho biết: “Trước khi dạy bài mới, tôi phải kiểm tra bài cũ của HS, nhưng cần phải kiểm tra những bài học có liên quan đến bài mới (như ví dụ trên) thì HS sẽ dễ dàng hệ thống lại bài học và ghi nhớ kiến thức được lâu hơn”. Từ việc kiểm tra bài cũ, cô Hà bắt đầu đi vào bài mới bằng việc đặt ra câu hỏi cho HS như nhận xét các góc và cạnh của tứ giác trên, những cánh tay tiếp tục được giơ lên, các em hăng hái trả lời hình đó có 4 cạnh và 4 góc bằng nhau. Từ đó, cô mới rút ra định nghĩa về hình vuông.
Trong phần kiểm tra bài cũ và định nghĩa bài mới, cô Hà cho rằng: “GV chưa nên sử dụng ngay công nghệ thông tin vào bài học mà cần phải cho HS từ từ làm quen với lớp học, tự trả lời các câu hỏi mà GV đặt ra để từ đó chủ động tìm ra tri thức mà mình cần đạt được. GV lúc này giữ vai trò là người hướng dẫn HS tự đi tìm tri thức”.
Riêng phần vẽ hình, GV không cần sử dụng bảng đen và phấn trắng để tô tô, xóa xóa hay đứng che khuất tầm nhìn của HS mà chỉ sử dụng phần mềm Powerpoint và bảng Activboard để hướng dẫn cách chèn thước, chèn hình cho HS. Chia sẻ về kinh nghiệm này, cô Hà cho biết phần lớn HS khi vẽ hình đều sợ vẽ sai, bởi ở trên lớp, mặc dù GV đã vẽ hình thật chính xác nhưng với chiếc bảng đen, phần vẽ hình của GV sẽ dễ bị che khuất hơn là dùng hệ thống vi tính để đứng một bên click chuột và hướng dẫn cụ thể.
Thời gian thoải mái nhất trong tiết học, theo nhận xét của nhiều HS, chính là làm bài tập trắc nghiệm. Ở đó, các em chỉ có 10 phút thực hiện nhưng lại là “sân chơi” để cạnh tranh và thể hiện mình. Theo đó, cô Hà chia lớp ra thành 6 nhóm, mỗi nhóm có một chiếc activoice để khi cô đưa ra các câu hỏi, các em sẽ dùng thiết bị này để bấm câu trả lời đúng là A hay B, C hoặc D giống như trong chương trình Đấu trường 100 của Đài Truyền hình Việt Nam. Khi tất cả HS trả lời xong, màn hình sẽ hiện ra những kết quả đúng. Vì thế, buổi học trở nên đầy kịch tính và thú vị hơn. Sau phần vừa học vừa vui chơi này, bắt nguồn từ dấu hiệu nhận biết của hình thoi và hình chữ nhật, HS lại bổ sung thêm điều kiện để trở thành hình vuông và cô hệ thống lại, vẽ lại hình bằng phần mềm rất nhanh và sinh động.
Tiết học (45 phút) diễn ra nhẹ nhàng nhưng thật cuốn hút và thoải mái nên nhiều HS vẫn còn lộ rõ gương mặt nuối tiếc.
Đảm bảo nội dung cần truyền đạt
Để ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào bài giảng không phải là điều đơn giản, bởi ngoài việc trau dồi những kiến thức đã có, GV buộc phải trau dồi thêm kỹ năng tin học – đây là điều kiện tối thiểu cần phải có. Cô Hà cho biết, cách đây hai năm, nhà trường đã trang bị hai hệ thống này để đáp ứng nhu cầu dạy – học của GV và HS, nhưng để có những tiết học hay thì tất cả GV trong trường phải đi tập huấn, tự trau dồi để sử dụng nhuần nhuyễn hơn. “Mặc dù đã cố gắng nhưng đến nay tôi và đồng nghiệp vẫn chưa thể tận dụng hết những chức năng của hệ thống dạy học thông minh này”, cô Hà nói.
Thời gian soạn giáo án về một bài giảng đôi khi kéo dài gần tháng nhưng đổi lại, tiết học sinh động, HS dễ tiếp thu; GV tiết kiệm được thời gian đứng lớp, có thể theo dõi từng HS hơn. “Khác với cách dạy học truyền thống hay dạy học bằng powerpoint, với hệ thống dạy học Activboard, GV có thể tương tác với HS qua hệ thống bảng, cây bút nhưng đây là chiếc bảng và cây bút thông minh nên GV không mất nhiều thời gian khi viết lên bảng bình thường… Đặc biệt, GV có thể cắt dán các hình ảnh minh họa nhanh chóng và truy cập các trang web để đưa lại những thông tin nhanh nhất liên quan đến bài giảng cho HS”, cô Hà chia sẻ.
Mặc dù thấy rõ công dụng của hệ thống dạy học này, nhưng với một GV có nhiều kinh nghiệm như cô Hà, hệ thống này vẫn là một trong những công cụ hỗ trợ, quan trọng vẫn là năng lực của GV. Do đó, GV phải biết “phần nào nên dùng công nghệ thông tin để có những hình ảnh trực quan, sinh động; phần nào phải thuyết giảng và chỉ dẫn để HS nhớ bài kỹ hơn”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Khi dạy môn toán, dù có hay không có công cụ hỗ trợ, GV phải đảm bảo truyền đạt cho HS bốn bước cơ bản: kiểm tra bài cũ, nội dung bài mới, củng cố lại kiến thức và hướng dẫn bài tập về nhà. Đặc biệt, ở những tiết luyện tập, GV không nên sử dụng hệ thống này mà cần tận tay chỉ dẫn HS các kỹ năng vẽ hình, làm bài tập… Công nghệ thông tin chỉ là một công cụ dạy học, GV vẫn là yếu tố quan trọng trong việc tìm ra các phương pháp truyền đạt hiệu quả nhất cho HS”, cô Hà chia sẻ.
|
Bình luận (0)