Không ở hẳn với nhau, chỉ “gặp” lúc nào có thể là cách “biến hóa” sống thử của một số 9X. Khác với đàn anh, đàn chị, sống thử với mục đích “gắn kết cuộc đời”, ít 9X sống thử nghĩ đến chuyện lâu dài…
Cứ tuần khoảng 2 – 3 buổi, sinh viên xóm trọ ở cuối làng Triều Khúc lại thấy cô bạn gái của Long, CĐ GTVT đến “ở nhờ” tại xóm trọ. Có hôm cô đến từ sáng, hai người ở trong phòng đón kín cửa đến tối khuya thì về, cũng có hôm ở lại qua đêm nhưng không bao giờ ở quá hai ngày.
Sinh viên xóm trọ ở đây cho biết, cô gái này tên Ng, học năm thứ nhất trường ĐH Hà Nội. Ng sống cùng gia đình cô chú ở quận Đống Đa nên vài ba hôm mới “trốn” đến nhà người yêu được một bữa.
Qua rồi thời sống thử” “chồng đun vợ nấu”… (Ảnh: HN) |
Giang, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Mới đầu mình nghĩ em ý chỉ đến chơi thôi vì họ mới quen nhau hồi trước Tết. Nhưng rồi lúc nào đến hai người cũng đóng kín cửa phòng rồi nhiều hôm ở qua đêm. Mình vẫn không tin là “có chuyện gì” vì em ấy ít tuổi quá. Cho đến hôm cậu Long khoe: “Chúng em sống thử đấy nhưng chỉ “tranh thủ” thôi vì Ng còn bị cô chú quản. Mỗi lần đến đây ngủ phải lừa đến nhà bạn học nhóm”.
Ở xóm trọ của Mai, HV Ngân Ngân hàng ở Phương Mai, phòng số 4 không có người ở. Người thuê phòng này là một đôi, mọi người chỉ biết cô gái M, học năm nhất trường ĐH Kinh tế. Tuần một hai lần, họ lại đến đây “nghỉ ngơi”.
“Hai em này cùng quê, hình như học cùng cấp ba. Cả hai đều đang ở nhà người thân nên thuê phòng thế này để “sống thử… tạm”. Lâu lâu họ lại đến đây, thường chỉ ở một buổi rồi đi. Thuê cả căn phòng 500.000, gần như để không thật phí phạm.
Hầu hết 9X chọn cách sống thử “tranh thủ” này là do bị gia đình, người thân kèm cặp, vì năm đầu họ còn bị “để mắt” hơn. Tuy nhiên cũng có những đôi, chủ động chọn cách này vì không muốn phải “làm vợ, làm chồng”, ràng buộc làm mất tự do.
Yêu nhau đươc ba tháng, Thư, năm nhất ĐH V đã đồng ý tuần vài ba hôm đến “ăn ngủ ba hôm” tại chỗ ở của người yêu hơn cô một tuổi. Thư cũng thuê phòng trọ có thể chuyển hẳn đến “góp gạo thổi cơm chung” với bạn trai nhưng: “Em đang sống tự do, còn nhiều bạn bè nên chuyển đến ở với nhau là không ổn nên chỉ lúc nào thích thì đến".
Một số 9X chọn cách sống thử “tranh thủ”. (Ảnh: HN) |
Nhiều đôi không thể chuyển hẳn về với nhau là vì không tìm được chỗ trọ để “xây tổ ấm” vì không phải chủ nhà trọ nào cũng đồng ý cho “anh em” thuê chung một phòng. Những lúc “thích thì đến” họ còn phải tìm mọi cách để qua “mắt” chủ nhà.
Hai cậu sinh viên Minh, Tuấn, ĐH Bách khoa thuê cùng phòng yêu hai cô bạn thân sống cùng nhau. Hai cô này đều sinh năm 90, học trung cấp. Mới đầu, hàng ngày hai cậu còn lọc cọc đạp xe gần 4 cây số đến thăm bạn gái nhưng cách đây một tháng, họ tìm được phòng trọ khá gần xóm trọ của mình. Hai cô chuyển về đó ở,chỉ nấu ăn ở một nhà. Bề ngoài, đường hoàng là “chẳng đôi nào sống chung” nhưng tối đến, Minh lại “lẻn” qua xóm trọ bên kia, còn cô người yêu của Tuấn lại qua phòng bên này.
Bạn gái của Tuấn nói thật: “Như thế này chủ trọ không biết mà cũng đỡ tai tiếng hơn là chuyển về sống với nhau. Bây giờ yêu nhau chắc gì đã đến được với nhau”.
Sinh viên sống trọ ở đây ai cũng choáng vì hai đôi này chỉ mới yêu nhau dịp Tết. “Họ sống thả quá. Cậu Tuấn nói ra trường chắc chắn về quê (ở Vĩnh Phúc) làm việc, còn bạn gái cậu ở tận Lào Cai cũng nói sẽ về quê. Thế mà họ vẫn “ở” với nhau” – Th, cậu sinh viên trường ĐH Công nghiệp cho biết. Th còn tiết lộ, năm ngoái, Tuấn cũng đã thường xuyên “ở tạm” cùng một cô bạn gái khác: “Mỗi lần cô này đến, cậu Minh toàn phải sang phòng mình ngủ nhờ”.
Ông Mạnh, chủ nhà xóm trọ gần 30 phòng ở Phùng Khoang bộc bạch: “Bọn sinh viên trước đến đây sống với nhau tôi đuổi thẳng. Nhưng lớp trẻ này, chúng tìm mọi cách “qua mặt” mình, chỉ đến ở với nhau vài tiếng, cùng lắm là một ngày nên mình không dễ “bắt”. Ông thở dài: “Mình quản chỉ thêm mệt người, chúng lại thù ấy chứ, bon này bây giờ liều lắm. Chúng sống thế nào chúng phải chịu”.
Ông Mạnh lo cũng có lý. Mới đây, ngày 4/3 ở Nha Trang, bà chủ phòng trọ đã bị cậu sinh viên 19 tuổi (ĐH Nha Trang) cầm dao cắt cổ vì bị cấm… đưa bạn gái về phòng trọ. Đó là hậu quả tuổi trẻ bồng bột, yêu đương sớm với lối sinh hoạt buông thả.
Hoài Nam (Dan tri)
Bình luận (0)