Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh đái tháo đường

Tạp Chí Giáo Dục

Đái tháo đường được xem là một trong những “bệnh của thời đại”, liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống, lối sống… Bệnh gây ra các biến chứng nặng nề, nhưng phần lớn triệu chứng bệnh diễn biến rất âm thầm.

Siêng năng vận động và ăn uống điều độ giúp phòng tránh được bệnh đái tháo đường – Ảnh: Shutterstock

Những yếu tố làm gia tăng bệnh

Tại buổi huấn luyện về quản lý bệnh đái tháo đường (tiểu đường) cho các bác sĩ trong nước được tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường TP.HCM cho biết bệnh tiểu đường gia tăng nhanh trong những năm qua. Hiện có 5,42% người dân trong nước đang mắc bệnh này (năm 2011 chỉ 3,2%). Còn các chuyên gia đến từ Đan Mạch thì cho biết 7% dân số quốc gia này mắc bệnh tiểu đường, bình quân hằng năm có 500 bệnh nhân mắc mới.

Con số thống kê chung trên thế giới, hiện có hơn 380 triệu người mắc, và chỉ trong năm 2013, bệnh tiểu đường khiến 5,1 triệu người tử vong, gây tốn kém gần 550 triệu USD chăm sóc y tế cho người mang bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số thực tế chắc chắn nhiều hơn, vì có rất nhiều người không biết mình mắc bệnh.

Những yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiểu đường gia tăng nhanh, theo PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, đó là tình trạng ăn uống không điều độ; cơ thể béo phì; công việc phải ngồi lâu một chỗ; lạm dụng bia, rượu, thuốc lá; tình trạng đô thị hóa dẫn đến thiếu không gian, môi trường xanh khiến người ta ít vận động. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình (gien).

Triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường là tiểu nhiều, mau khát nước, mau đói, sụt cân, người mệt mỏi, suy giảm khả năng tình dục, dễ bị nhiễm trùng, khi bị thương sẽ khó lành (hoặc không lành)… Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, diễn tiến rất thầm lặng, nên phần lớn người bệnh khi phát hiện ra mình có bệnh này thì đã ở giai đoạn trễ, đã có những biến chứng. Biến chứng thường gặp của bệnh là gây ra bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về mắt, làm suy thận, nhiễm trùng phải cắt cụt bàn chân… Đó là biến chứng muộn, còn biến chứng cấp là làm hôn mê khi lượng đường trong máu tăng quá cao.

Phòng bệnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, nếu con người không có những hành động phòng bệnh, thì đến năm 2030 sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới trong số các bệnh gây tử vong hàng đầu ở các quốc gia; và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, cao huyết áp, mù lòa, cắt cụt chi… “Những nghiên cứu lớn ở Mỹ, Ấn Độ cho thấy nếu có chế độ ăn uống hợp lý, dùng ít chất béo, dùng nhiều rau quả tươi có chất xơ, luyện tập, vận động cơ thể đều đặn (đơn giản nhất là đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp…) thì bệnh tiểu đường giảm khoảng 58%”, PGS-TS Nguyễn Thy Khuê cho biết.

Do bệnh tiểu đường diễn tiến lặng lẽ, nên việc tầm soát bệnh là rất cần thiết. Tầm soát bệnh tiểu đường vừa đơn giản, nhanh, vừa rẻ tiền, chỉ cần thử đường huyết. Nếu không may có bệnh cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về điều trị, chế độ dinh dưỡng để giúp kiểm soát lượng đường huyết thích hợp.

Thanh Tùng

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)